.
CHÀO MỪNG NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11)

Phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Cập nhật: 18:20, 22/11/2023 (GMT+7)

Nuôi dưỡng ý thức và lòng tự hào về giá trị di sản ở quê hương; tập trung tôn tạo, bảo tồn giá trị di sản là những định hướng phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

HS Trường THCS Phước Thắng, TP. Vũng Tàu tham quan trải nghiệm “Pháo đài Phước Thắng - nơi ghi dấu chặng đường đấu tranh giữ nước của quân dân triều Nguyễn” tại di tích lịch sử Bạch Dinh vào ngày 14/11.
HS Trường THCS Phước Thắng, TP. Vũng Tàu tham quan trải nghiệm “Pháo đài Phước Thắng - nơi ghi dấu chặng đường đấu tranh giữ nước của quân dân triều Nguyễn” tại di tích lịch sử Bạch Dinh vào ngày 14/11.

Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên

Tại huyện Côn Đảo, ngày 18/11 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo phối hợp với Trường TH Cao Văn Ngọc và THCS Lê Hồng Phong tổ chức cho HS tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Côn Đảo. Chương trình giúp các em hiểu hơn về những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha ông trong hai cuộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua đó, khơi gợi nhận thức, có những hành động hữu ích gìn giữ và bảo vệ những giá trị lịch sử của thế hệ trẻ.

Em Bùi Minh Đức (HS Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Côn Đảo) cho hay: “Chúng em được tìm hiểu về các thế hệ đi trước đấu tranh kiên cường suốt 113 trong hoàn cảnh ngặt nghèo bị giam cầm, tra tấn để tự hào và quyết tâm học tập, xây dựng, bảo vệ quê hương”.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ học viện” với nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu trong thời kỳ mới, ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Năm 2023 là năm đầu tiên Sở VH-TT phối hợp Sở GD-ĐT triển khai chương trình Giáo dục Di sản văn hóa cho HS giai đoạn 2023-2026 dành cho HS trên toàn tỉnh tại Bảo tàng tỉnh. Chương trình không chỉ khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, di sản của tỉnh nhà mà còn hướng đến mỗi HS là một tuyên truyền viên giới thiệu di sản của tỉnh đến công chúng và du khách.

Bà Võ Mai Hoa, Trưởng Phòng Quản lý di tích Bảo tàng tỉnh cho hay, năm 2023, HS được trải nghiệm 3 chuyên đề: tham quan, trải nghiệm và tọa đàm về “Di tích lịch sử địa đạo Long Phước” tại Bảo tàng tỉnh; tham quan trải nghiệm “Pháo đài Phước Thắng - nơi ghi dấu chặng đường đấu tranh giữ nước của quân dân triều Nguyễn” tại di tích lịch sử Bạch Dinh; tham quan trải nghiệm “Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ mở đất Mô Xoài thế kỷ XVII” với kinh phí hơn 370 triệu đồng.

Gìn giữ, phát huy di sản

Đến với hội thi “Thuyết minh viên giỏi” tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 diễn ra ngày 10/11 vừa qua, Đội Ban quản lý di tích và du lịch huyện Đất Đỏ tham gia phần thi thuyết minh với di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà lưu niệm nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Bằng hình thức thuyết trình trực tiếp kết hợp dàn dựng sân khấu hóa, đội thi đã giới thiệu lịch sử từ thuở thiếu thời đến khi tham gia cách mạng, thể hiện rõ nét tinh thần yêu nước bất khuất của nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu...

Bà Rịa - Vũng Tàu có 143 di sản văn hóa phi vật thể
Đây là một trong những nội dung được thông tin tại buổi họp mặt kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) diễn ra chiều 22/11 do Bảo tàng tỉnh tổ chức.
Trên địa bàn tỉnh, 50 xã, phường, thị trấn có di sản văn hóa phi vật thể với tổng số 143 di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, lễ hội truyền thống có 119 di sản; nghề thủ công truyền thống có 5 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 3 di sản; Ngữ văn dân gian có 14 di sản; tập quán xã hội có 2 di sản. Trong đó, có 3 di sản được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2023, Bảo tàng tỉnh được các nhà sưu tập hiến tặng 68 tài liệu, hiện vật, bổ sung trưng bày đến công chúng; triển khai nhiều chuyên đề như “Tục ăn trầu”, “Tinh hoa gốm Việt...; thực hiện 6 chương trình, thu hút 1.050 HS khối THCS tham gia chương trình giáo dục di sản năm 2023.

Chị Ngô Thị Hồng Cẩm, thuyết minh viên Ban quản lý di tích và du lịch huyện Đất Đỏ, tham gia hội thi chia sẻ: “Tôi tự hào khi hàng ngày được giới thiệu về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng ngay tại di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà lưu niệm nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Từ đó, góp phần giới thiệu hình ảnh quê hương Đất Đỏ và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương đến du khách”.

Theo ông Trần Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 219 di tích đã được kiểm kê, 48 di tích đã được xếp hạng và 3 bảo tàng. Bên cạnh việc tập trung đầu tư, tôn tạo các công trình văn hoá, lịch sử, tỉnh còn quan tâm đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích, bảo tàng; đồng thời tập trung triển khai số hóa di sản, góp phần phát triển du lịch. Tỉnh đã bổ sung 3 lễ hội của tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội truyền thống Lễ giỗ Bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam - Vũng Tàu và Lễ hội Dinh Cô - Long Hải. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

.
.
.