Màng lọc của phòng chống tham nhũng
Hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra, nhất là trong giải quyết, khiếu nại tố cáo, tổ chức thanh tra, kiểm tra... giống như màng lọc, loại bỏ những yếu tố có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí.
Ngành Thanh tra tỉnh đã không ngừng đổi mới trong công tác quản lý, từ đó tạo sự chuyển biến cơ bản, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Đa, Chánh Thanh tra tỉnh trao thưởng cho các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. |
Kịp thời xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
Trong những năm qua, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ban, ngành cùng thanh tra cấp huyện đã tích cực tham mưu lãnh đạo cùng cấp trong công tác thanh tra. Đây cũng là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thanh tra, nhất là vai trò của người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Theo ông Nguyễn Văn Đa, Chánh Thanh tra tỉnh, để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, hàng năm, đơn vị đều xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời rà soát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện giải quyết các vụ việc mới phát sinh, bảo đảm đạt 85% các vụ việc đến hạn phải giải quyết. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, các đơn vị đều tuân thủ đúng mục đích, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu…theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, không trùng lặp, chồng chéo.
Cũng theo ông Đa, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi đến làm việc với các cơ quan Nhà nước, hầu hết các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã bố trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận lợi, niêm yết công khai lịch, nội quy tiếp công dân; kiện toàn bộ máy tiếp dân, nâng cao chất lượng tiếp công dân từ cơ sở đến tỉnh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương được chấn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được ngành Thanh tra chú trọng bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng thông qua nhiều hình thức phong phú như: lồng ghép vào các buổi họp giao ban hàng tháng, sinh hoạt chi bộ định kỳ, hội nghị. Qua đó đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều sai phạm, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước cũng như kịp thời chấn chỉnh những sai sót bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng tại các đơn vị.
Ứng dụng phần mềm phục vụ công tác thanh tra
Để công tác xử lý khiếu nại đạt hiệu quả, ngành Thanh tra tỉnh đã chủ động đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, nghiên cứu, phát huy cách làm mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành và hoạt động của ngành.
Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và đưa vào vận hành khai thác 3 phần mềm gồm: Phần mềm quản lý, tổng hợp thanh tra, kiểm tra; Phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phần mềm kê khai tài sản, thu nhập. Hiện nay 3 phần mềm này đã giúp Thanh tra tỉnh thực hiện tốt hơn trong công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và kê khai tài sản.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp 3.465 lượt công dân với 3.770 người, với tổng số vụ việc tiếp là 2.784. Tiếp nhận 5.164 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đến nay đã xử lý 4.967 đơn; có 4.902 đơn đủ điều kiện xử lý (với 3.482 vụ việc). Triển khai thực hiện 333 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 9.109 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 4,8 tỷ đồng, đồng thời ban hành 289 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 106 tổ chức, 183 cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,7 tỷ đồng. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai 80 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua thanh tra, đã thu hồi hơn 16 tỷ đồng; thu hồi nợ vay trước hạn với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng. |
Trong đó, từ tháng 1/2020, Thanh tra tỉnh đã trích xuất lấy số liệu trên phần mềm để lập các báo cáo chuyên đề, định kỳ tháng, quý, năm,… phục vụ các cuộc họp theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh. Thanh tra tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng phần mềm để phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh về khiếu nại, tố cáo. Hiện nay đã triển khai đến 215 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Việc nhập dữ liệu vào phần mềm theo các quy trình về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Văn Đa, Chánh thanh tra tỉnh, việc đưa phần mềm vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành tổng hợp, thống kê số liệu và theo dõi tiến độ giải quyết vụ trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo được nhanh chóng, thuận lợi. Giúp tra cứu hồ sơ và công khai kết quả giải quyết đơn thư, góp phần công khai, minh bạch trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Để thực hiện tốt công tác thanh tra, ngoài triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi, ngành thanh tra tỉnh sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính, thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành và hoạt động của ngành để góp ý với bộ, ngành Trung ương hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng”, ông Đa nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC