Khích lệ chị em vươn lên

Thứ Sáu, 20/10/2023, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt Đề án 939), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ, khích lệ tinh thần chị em tham gia khởi nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

Chị Đặng Thị Ánh Thư (bên phải) cùng cộng sự đóng gói mặt nhang để gửi cho khách.
Chị Đặng Thị Ánh Thư (bên phải) cùng cộng sự đóng gói mặt nhang để gửi cho khách.

Làm chủ kinh tế

Chị Đặng Thị Ánh Thư (49 tuổi, ở 86T1 Ngô Gia Tự, TT.Long Điền, huyện Long Điền) vốn là giáo viên tiểu học. Gia đình chị có 4 đời làm nhang và thuốc gia truyền quy mô nhỏ. Từ năm 18 tuổi, chị đã ấp ủ khởi nghiệp từ nghề truyền thống của gia đình, nhưng lúc này chị chưa có điều kiện thực hiện ước mơ. Sau nhiều năm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm lẫn tài chính, năm 2021, chị cùng 2 thành viên khác quyết định khởi nghiệp với mô hình sản xuất kinh doanh nhang thảo mộc và sản phẩm từ thảo dược. Không chỉ trực tiếp đi đến các cánh rừng trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm và thu gom thảo dược, chị Thư còn tự tìm hiểu và mua sắm các trang thiết bị, máy móc phục vụ việc sản xuất nhang và thuốc như: Máy băm, máy chặt, máy nghiền, máy sấy… Đến nay, cơ sở của chị và cộng sự sản xuất được 34 mặt hàng chủ lực như: Thảo dược ngâm tay chân, xông thải độc tố, giải cảm; nhang sát khuẩn, xua đuổi ruồi muỗi; thảo dược xông xoang, tắm gội…

Chị Thư chia sẻ, việc khởi nghiệp không chỉ giúp chị thỏa mãn niềm đam mê kinh doanh mà còn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Qua đó, giúp người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng các loại thảo dược tự nhiên an toàn, hiệu quả trong phòng, chữa bệnh. Từ khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh, chị được các cấp hội phụ nữ, ngành nông nghiệp tỉnh động viên, hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Cơ sở sản xuất kinh doanh thảo mộc hương của chị Thư được nhiều DN ở TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang biết và đến tìm cơ hội hợp tác lâu dài. Hiện các sản phẩm của cơ sở chủ yếu bán qua mạng, bỏ mối tại các chợ và cửa hàng tạp hóa. “Ban đầu khởi nghiệp cũng rất vất vả, khó khăn nhưng đến nay đã tạm ổn. Cơ sở có doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng. Việc kinh doanh vừa mang đến kinh tế cho bản thân, vừa tạo ra giá trị chăm sóc sức khỏe cho người dân, cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động”, chị Thu vui mừng nói.

Trước đây, chị Đào Thị Thúy (37 tuổi, thôn 1, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) đi làm thuê cho các nhà vườn, công việc vừa bấp bênh và vất vả. Năm 2013, chị bàn với chồng vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi bò. Số vốn nhỏ nên chị chỉ mua được một con, đồng thời chị vẫn chăm chỉ làm thêm, cải thiện đời sống. Nhờ tính cần cù, chịu khó và tham gia học tập kinh nghiệm từ các lớp học chăn nuôi bò do Hội LHPN xã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức nên chị biết cách gầy dựng đàn bò. Đến này, đàn bò của chị đã phát triển lên 30 con, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Mỗi năm mang về cho chị thu nhập từ 100-120 triệu đồng. Chị cũng đã chuyển đổi hoàn toàn từ việc đi làm mướn sang tập trung chăn nuôi bò lấy thịt. Chị Thúy cho hay, xã Bình Trung và các địa phương lân cận có những cánh đồng cỏ rộng lớn nên thuận lợi cho việc chăn nuôi bò của chị. Chị có mối thương lái mua bò ổn định nên không lo đầu ra. Tháng 8/2023, thông qua Hội LHPN xã Bình Trung, chị Thúy vay thêm 50 triệu đồng để tăng đàn và mở rộng chuồng trại. Chị xác định chăn nuôi bò trở thành kinh tế trụ cột của gia đình và sẽ phát triển bền vững.

Từ khi công việc chăn nuôi hiệu quả, chị tham gia HTX nuôi bò của Hội LHPN xã Bình Trung cùng với 11 thành viên khác. Thông qua HTX, chị được liên kết, giới thiệu đầu ra, học tập và nâng cao kiến thức, kỹ năng chăn nuôi… Chị Thúy cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, cuộc sống của tôi ổn định hơn nhờ có thu nhập từ chăn nuôi bò. Tuy đàn bò quy mô chưa lớn nhưng với một phụ nữ dân tộc Chơ ro như tôi thì đây là mô hình khởi nghiệp phù hợp và mang lại kinh tế cho gia đình”.

9 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở đã hỗ trợ, giúp đỡ 126 phụ nữ khởi nghiệp, với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng; thành lập mới 3 tổ hợp tác. Hội LHPN tỉnh phát động hưởng ứng cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023" và có 96 chị em viết dự án, ý tưởng tham gia cuộc thi.

Hỗ trợ chị em khởi nghiệp

Theo lãnh đạo Hội LHPN các địa phương, từ khi có Đề án 939 đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ. Các chị em đã thực hiện các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp gắn liền với tài nguyên bản địa, phù hợp với điều kiện của bản thân và nhu cầu thực tế. Đơn cử, phụ nữ trên địa bàn TX.Phú Mỹ lựa chọn khởi nghiệp với các mô hình như: Chế biến hạt điều, sản xuất phên phơi cá, làm bánh bông lan, may gia công, trồng nấm rơm, nấm bào ngư, trồng các loại rau lá… Ở huyện Châu Đức, chị em khởi nghiệp với các mô hình làm bánh bột lọc, bánh gai, bánh ít, thịt dê, thịt bò, trứng gà, mập ong, khoai môn sáp, ổi nữ hoàng.

Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay, thực hiện Đề án 939, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực vận động, hướng dẫn chị em lên các dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Đây là những mô hình sáng tạo, làm ra những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống từ những nguyên liệu đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho chị em, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội còn hỗ trợ vay vốn, mời hội viên tham gia các khoá tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý DN, hỗ trợ thủ tục thành lập HTX. Một số mô hình phụ nữ khởi nghiệp đã được các cấp hội hỗ trợ quảng bá, tạo điều kiện để chị em bán và giới thiệu sản tại các buổi triển lãm, Ngày Phụ nữ khởi nghiệp. “Đề án 939, góp phần tạo môi trường khởi nghiệp, khuyến khích chị em vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định năng lực của bản thân”, bà Thu nói thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.