Cẩn trọng với bệnh lao màng não

Thứ Ba, 10/10/2023, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Dù chỉ chiếm khoảng 10%, nhưng lao màng não được đánh giá là thể lao nguy hiểm và nặng nhất trong tổng số các loại lao. Bệnh này thường có tỷ lệ tử vong cao, thậm chí ngay cả khi người bệnh được điều trị kịp thời cũng có thể có những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vịnh (Bệnh viện Vũng Tàu) thăm khám cho bệnh nhân H.T.P.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vịnh (Bệnh viện Vũng Tàu) thăm khám cho bệnh nhân H.T.P.

Vào viện trễ, điều trị khó khăn

Mới đây, Bệnh viện Vũng Tàu điều trị thành công cho bệnh nhân H.T.P., (50 tuổi, phường 11, TP.Vũng Tàu) mắc bệnh lao màng não nặng, tiên lượng xấu. Người bệnh vào viện trong tình trạng sốt cao, chân tay yếu, không đi lại được do rối loạn tri giác. Bệnh nhân P. còn là người nghiện rượu, nghiện thuốc lá và có nhiều bệnh nền khác như tiểu đường, nhồi máu não, lao phổi. Thời điểm nhập viện, người bệnh còn loét vùng cánh chậu phải, vết thương còn rỉ ít dịch vàng. Cùng với khám lâm sàng, bác sĩ của Bệnh viện Vũng Tàu chỉ định chọc dịch não tủy, chụp MRI sọ não, cấy máu, cấy đờm, tầm soát lao phổi…

Kết quả cho thấy, bệnh nhân vừa bị lao màng não, vừa bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn tụ cầu đa kháng. Hơn nữa, bệnh nhân P. có cơ thể gầy gò và vào viện trễ, bệnh đã trở nặng nên việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 1 tháng điều trị và chăm sóc của đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nội tổng hợp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Vũng Tàu), tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Người bệnh không còn đau đầu, không sốt, ăn uống và đi lại được nên bệnh viện cho xuất viện.

“Khi vào viện, sức khỏe tôi suy kiệt, tình trạng bệnh rất nặng. Hơn 1 tháng nằm viện, tôi được uống nhiều loại thuốc và chăm sóc tận tình của nhân viên y tế Bệnh viện Vũng Tàu. Nhờ đó, tôi mới được cứu sống”, ông P. nói.

Theo bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu, căn bệnh lao màng não tuy không phổ biến nhưng thỉnh thoảng bệnh viện vẫn gặp các bệnh nhân bị bệnh này. Đơn cử như tháng 9/2023, bệnh viện tiếp nhận và điều trị bệnh lao màng não cho ông D.V.T, (67 tuổi, ở TP.Vũng Tàu). Người này vào viện khi có dấu hiệu đau đầu và ớn lạnh khoảng 1 tuần, 2 chân yếu, đi lại khó khăn. Ông T. còn bị lao phổi do hút thuốc lá lâu năm. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lao màng não. May mắn, người bệnh nhập viện sớm và đáp ứng thuốc khá tốt nên tình trạng bệnh cải thiện rõ rệt sau 3 ngày điều trị. Ông T. chỉ phải điều trị khoảng 1 tuần đã được xuất viện.

Bệnh có tỉ lệ tử vong cao

Bác sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể và theo đường máu tấn công não và màng não. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20-50, nam mắc nhiều hơn nữ. Ở trẻ em, bệnh chủ yếu ở lứa tuổi 1-5. Bệnh khởi đầu với những triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, ù tai, co giật khu trú, liệt, nói sảng, sốt… Những dấu hiệu này khá giống với các bệnh thông thường như: Cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý. Các triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu khó nhận biết, dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

“Khi thấy cơ thể có những triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Người bị lao màng não nếu được phát hiện sớm, dùng các thuốc điều trị lao đặc hiệu và có các biện pháp hồi sức tích cực, sẽ mang lại kết quả khả quan cho người bệnh, giảm đáng kể về tỉ lệ tử vong và di chứng do bệnh gây ra”, bác sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Vũng Tàu, cho hay.

Theo bác sĩ Vịnh, xét về lâm sàng, bệnh lao màng não chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như sốt, đau đầu, chóng mặt… nhưng không có dấu hiệu co giật khu trú, người bệnh vẫn tỉnh táo. Người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời thì gần như khỏi bệnh hoàn toàn. Giai đoạn 2, người bệnh rơi vào tình trạng lơ mơ, yếu liệt chi. Điều trị chậm trễ, người bệnh có khả năng tử vong cao, từ 70-80%. Trong trường hợp người bệnh có cải thiện sức khỏe, nhưng thường để lại di chứng như: yếu liệt nửa người, liệt chi làm giảm khả năng lao động và sinh hoạt. Giai đoạn 3, người bệnh rơi vào tình trạng rất nặng, với biểu hiện chính là co giật và hôn mê. Lúc này, cơ hội sống sót của người bệnh chỉ chiếm từ 10-20%, điều trị không kịp thời sẽ tử vong sau 2-4 tuần.

Bác sĩ Vịnh lưu ý, lao màng não thường gặp trên cơ thể có miễn dịch suy yếu như mắc kèm theo 1 loại lao khác (lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương cột sống…), nhiễm HIV, đái tháo đường, nghiệm bia rượu hoặc các bệnh ác tính khác… Vì vậy, bệnh nhân có những bệnh nền này cần tuân thủ phác đồ điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nên đến khám và xét nghiệm định kỳ tại cơ sở y tế. Đây là những biện pháp nhằm kiểm soát tốt các bệnh nền để vi khuẩn lao không có cơ hội tấn công lên não.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.