Đó nhận định của các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia khảo cổ tại hội thảo khoa học di chỉ khảo cổ Vòng thành Đá Trắng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) do Sở VH-TT tổ chức vào ngày 11/9 tại TP. Vũng Tàu. Hội thảo nhằm đánh giá, nghiên cứu sâu hơn diện mạo của di chỉ, một trong số ít di chỉ thành cổ hiếm hoi còn tồn tại ở Nam Bộ.
PGS.TS Phạm Quốc Quân, Hội đồng Di sản Quốc gia đánh giá Vòng thành Đá Trắng đủ tiêu chí lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia. |
Di chỉ thành cổ hiếm hoi còn lại của Nam Bộ
Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh cho biết, năm 2002 Vòng thành Đá Trắng lần đầu tiên được khảo sát. Kết quả nghiên cứu xác định đây là dấu vết của một thành cổ đã bị phá hủy. Từ năm 2007 đến nay, di tích tiếp tục được khảo sát, khai quật nhiều lần.
Sau khi đào, khai quật hơn 70 hố với diện tích nghiên cứu gần 4.000m2 các nhà khảo cổ đã thu thập được số lượng rất lớn hiện vật với 84 đồ đá, 92 đồ kim loại, 1216 hiện vật đất nung, 256 mảnh ngói, 138 mảng gạch và 215.666 mảnh gốm có giá trị lớn trong việc nghiên cứu lịch sử di chỉ cũng như lịch sử khu vực. Trong đó, hơn 200 ngàn hiện vật là mảnh vỡ gốm khác nhau thuộc giai đoạn văn hóa từ thời tiền sử đến thời kỳ Chân Lạp và Champa. Hội thảo cũng trưng bày giới thiệu 180 hiện vật bằng gốm sứ quý hiếm đã được các nhà khoa học khôi phục.
Kết quả khai quật cũng cho thấy một diện mạo, cấu trúc của một khu vực thành trung tâm và hệ thống hào xung quanh. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 3 thời kỳ lịch sử: Lớp dưới cùng thuộc thời Tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm; lớp giữa có niên đại thế kỷ VIII - X và lớp trên cùng có niên đại thế kỷ XIV-XVI, sau đó là giai đoạn cư trú thời hiện đại. Các hiện vật thu được trong hai đợt khai quật gồm rìu đá, mảnh gốm, mảnh sứ thời Minh, Trung Hoa, mảnh sành gốm Gò Sành, nhiều hiện vật chì lưới bằng đất nung; công cụ dao, kiếm, đục…các loại trang sức bằng kim loại (đồng), thủy tinh…
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện móng tường thành xây dựng bằng đá ong, lỗ chôn cột làm chòi canh, đường mương nước dẫn nước, giếng nước cổ…phản ánh đời sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân cư trú. Với những phát hiện khảo cổ học này, Vòng thành Đá Trắng là thành cổ được xây dựng hoàn chỉnh, quy mô với nhiều hạng mục liên kết chặt chẽ, thống nhất với nhau, còn hiếm hoi hiện hữu đến ngày hôm nay.
Khu vực Di chỉ Vòng thành Đá Trắng (ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). |
Bảo tồn nguyên vẹn, lập hồ sơ công nhận di tích cấp Quốc gia
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều có đánh giá khoa học là Vòng thành Đá Trắng hội tụ đủ tiêu chí để làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia.
PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, sự hiện diện của tòa thành với khối lượng di vật phong phú đã tự nó nói lên vị trí quan trọng khu vực Vòng thành Đá Trắng trong lịch sử Bà Rịa -Vũng Tàu nói riêng và lịch sử khu vực Nam Bộ nói chung.
“Cùng với tòa thành, bộ di vật liên quan đến công cụ lao động như dao, đục, liềm, rìu, thuổng, lưỡi câu, chì lưới phản ánh dự phát triển của nghề nông, nghề đánh cá. Đặc biệt, bộ gốm sứ có nguồn gốc Bắc Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc cho thấy sự giao thao văn hóa quốc tế mạnh mẽ trải từ khu vực duyên hải đến khu vực Lâm Đồng (Tây Nguyên) mà điểm nhấn ở vùng duyên hải chính là di tích Vòng thành Đá Trắng. “Cần bảo vệ tại chỗ, toàn vẹn khu di chỉ, lập hồ sơ xếp hạng cấp Quốc gia, lập kế hoạch tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường cho tổng thể di tích là các yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với khu di tích này”, PGS.TS Tống Trung Tín đề nghị.
Các đề xuất, kiến nghị và giải pháp tại hội thảo đã được Ban Tổ chức ghi nhận để xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ VH-TT-DL để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa; triển khai thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. |
Đồng tình với đề xuất này, PGS.TS. Phạm Quốc Quân, Hội đồng Di sản Quốc gia nhận định, khoảng hơn 2 thập niên trở lại đây, Vòng thành Đá Trắng là di chỉ xếp hạng thứ 4 về quy mô khai quật và giá trị di sản trong cả nước. “Tôi đánh giá đây là vinh dự, sẽ tạo nên vị trí và vai trò của Bà Rịa - Vũng Tàu với cả nước; nó cần được ứng xử không như một di tích bình thường mà hồ sơ của nó đáp ứng đủ tiêu chí xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Trong thời gian tới, Vòng thành Đá Trắng cần được khai quật mở rộng và nghiên cứu liên ngành liên quan giữa Vòng thành Đá Trắng và cả Đông Nam Bộ” - PGS. TS Phạm Quốc Quân đánh giá với tư cách là thành viên hội đồng di tích Quốc gia.
Để có cơ sở bảo vệ, bảo tồn di chỉ này, TS. Nguyễn Minh Khang, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) kiến nghị, cần nghiên cứu mở rộng khai quật trên cơ sở lập dự án di tích Vòng thành Đá Trắng. Đồng thời khẳng định di chỉ đáp ứng tiêu chí để lập hồ sơ công nhận di tích cấp Quốc gia.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG