Thận hư do nhiễm giun sán chó, mèo
Ông D.V.T.N (39 tuổi, TP.HCM) được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư 6 tháng nhưng điều trị không đáp ứng. Gần đây, ông phải nhập viện với triệu chứng sốt nhẹ, tiêu chảy, chân trái phù dần. Điều bất ngờ là khi làm các xét nghiệm đã tìm được nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm ấu trùng giun đũa chó.
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh tại phòng khám Nội thận-Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân. |
Nguyên nhân gây hư thận ít được để ý
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Nội thận-Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, ông N. lúc nhập viện đã bị tổn thương thận cấp, hội chứng thận hư. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ đã xác định được nguyên nhân, chuyển hướng điều trị, tập trung vào điều trị ấu trùng giun sán cho ông N. trong 7 ngày. Người bệnh đáp ứng điều trị tốt, các triệu chứng sốt và tiêu chảy hết sau 2 ngày dùng thuốc. Sau 2 tháng điều trị, hội chứng thận hư của bệnh nhân đã ổn định.
Hội chứng thận hư do nhiễm ấu trùng giun sán chó có thể gặp ở người trẻ hay lớn tuổi, may mắn là những trường hợp phát hiện và điều trị sớm thì có cải thiện rất tốt, sớm đưa người bệnh trở lại với đời sống bình thường. Trường hợp điển hình là người bệnh N.T.T 67 tuổi (Long An). Bà nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bình Dân vì mệt. Bà T. đã lớn tuổi và có bệnh nền là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 kiểm soát kém do uống thuốc không đều.
Các xét nghiệm cơ bản cho thấy đạm niệu 6.8g/24h (protein niệu >3g/24h là chỉ dấu hội chứng thận hư), creatinine 360 umol/L (gấp 3 lần bình thường). Điều này gợi ý tình trạng hội chứng thận hư trên người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, ở trường hợp của bà T. tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, cơ thể bà phù nhiều, tích nước, tăng ký nhanh nên bác sĩ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để đánh giá.
Kết quả cho thấy bà bị nhiễm giun đũa chó mèo (Toxocara). Lúc này bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tổn thương thận cấp, hội chứng thận hư thứ phát, nhiễm Toxocara trên nền đái tháo đường. Người bệnh được điều trị bằng nhóm thuốc trị ký sinh trùng.
Vòng đời của giun đũa chó mèo. |
Sau 2 tuần dùng thuốc, đồng thời kiểm soát đường huyết và huyết áp, tình trạng của bà T. đã cải thiện. Xét nghiệm huyết thanh âm tính với Toxocara. Người bệnh giảm hơn 10kg, trở về gần với cân nặng bình thường, giảm phù và đang tiếp tục được theo dõi, tái khám.
Theo BS.CKII Lê Thị Đan Thùy: Hội chứng thận hư có 2 nhóm nguyên nhân chính là vô căn (không tìm ra nguyên nhân) và thứ phát. Nguyên nhân thứ phát thường gặp trên bệnh nhân ung thư như ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, người có bệnh lý miễn dịch như bệnh lupus ban đỏ, người bệnh đái tháo đường, bệnh nhân viên gan B, C, HIV. Gần đây phát hiện nhiều trường hợp bị hội chứng thận hư do nhiễm giun sán. Không chỉ riêng người bệnh mà cả nhân viên y tế đôi khi cũng ít để ý đến nguyên nhân hội chứng thận hư do ấu trùng giun sán chó.
Giun sán đi vào cơ thể do vô tình ăn phải trứng giun trong đồ sống được trồng trên đất nhiễm phân động vật có ký sinh trùng hoặc do ăn các động vật bị nhiễm giun sán chưa nấu chín. Hoặc trứng giun sán đi vào cơ thể qua da do chúng ta tiếp xúc với đất. Sau khi nhiễm, trứng giun sán chó sẽ vào cơ thể và phát triển thành ấu trùng, ấu trùng này xâm nhập vào thành ruột và có thể lan tới tất cả các cơ quan như gan, phổi, não, và một số trường hợp ấu trùng này sẽ lan đến thận gây nên hội chứng thận hư. Thường gặp là do giun lươn, toxocara từ chó mèo, sán mán... Nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo khiến nhiều người rơi vào hội chứng thận hư dẫn tới phù cơ thể, tăng trọng lượng do tích nước, mệt mỏi, kém ăn…
Để phòng ngừa nhiễm giun sán chó mèo, mọi người cần xổ giun định kỳ cho chó và mèo. Có khu vực cho chó mèo đi vệ sinh, xử lý phân đúng cách. Tránh tiếp xúc với đất cát bẩn bị nhiễm phân động vật. Vệ sinh môi trường sống, khu vui chơi của trẻ em (sân vườn, công viên, thậm chí sàn nhà). Rửa tay trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với môi trường nghi có ký sinh trùng. Ăn thịt động vật đã nấu chín. Không ăn rau sống trồng trên đất chưa được xử lý. |
Biến chứng phức tạp nếu không điều trị kịp thời
Hội chứng thận hư do nhiễm giun sán khi được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thường có hiệu quả cải thiện rất tốt so với các trường hợp bị hội chứng thận hư vô căn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng, có thể làm bùng phát tình trạng giun sán và có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh như rơi vào suy thận cấp, làm suy giảm chức năng thận dẫn tới bệnh thận mạn tính. Lúc này thận giảm hoặc mất chức năng lọc thải độc, thải nước, chức năng cân bằng điện giải, tiết nội tiết cần thiết cho cơ thể và người bệnh phải chạy thận nhân tạo. Người bệnh đồng thời cũng tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Người bị hội chứng thận hư đồng thời có nguy cơ suy dinh dưỡng do không giữ được đạm trong cơ thể, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu vì khiến gan phải tăng cường tổng hợp lipoprotein bù đắp cho cơ thể, huyết khối và tắc mạch do mất albumin, tiểu máu do thận bị tổn thương…
BS. CKII. Lê Thị Đan Thùy khuyến cáo: Để phòng ngừa hội chứng thận hư do giun sán thì cần phải phòng ngừa nhiễm giun sán và phải phát hiện sớm các tình trạng nhiễm giun để điều trị. Khi xuất hiện các triệu chứng ngứa, nổi sẩn da, rối loạn tiêu hóa... cần nghĩ đến nguy cơ nhiễm giun sán để khám và điều trị kịp thời.
TRẦN NHUNG