PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Từ khoảnh sân trường...

Thứ Sáu, 08/09/2023, 16:52 [GMT+7]
In bài này
.

Điểm trường Hải Đăng đúng nghĩa là khoảnh sân trường, vì chỉ có vài chục mét vuông. Nhưng Hải Đăng đã tồn tại 30 năm, là nơi khôn lớn trưởng thành của bao thế hệ học sinh.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu động viên cô Trần Thị Phương, cô giáo đã gắn bó với điểm trường Hải Đăng gần 20 năm trong ngày đầu của năm học mới.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu động viên cô Trần Thị Phương, cô giáo đã gắn bó với điểm trường Hải Đăng gần 20 năm trong ngày đầu của năm học mới.

Buổi chiều mùa thu dịu dàng ngay trước ngày khai giảng năm học mới, góc sân nhỏ của điểm trường Hải Đăng (TP.Vũng Tàu) ríu rít tiếng cười đùa của cô và trò. Cô trò cùng nhau chơi rồng rắn lên mây, một trong những trò chơi quen thuộc mà hai cô giáo giảng dạy tại điểm trường thường chơi với lũ trẻ sau giờ học để mỗi buổi học của các em bớt buồn tẻ hơn.

Điểm trường Hải Đăng chỉ là một dãy nhà với mấy phòng học đơn sơ và một khoảng sân nhỏ. Lối dẫn vào trường là con đường nhỏ xíu, hai bên cây cối um tùm. Không như những ngôi trường khác trong thành phố, điểm trường không có hồ bơi, không cột cờ, sân khấu, không phòng máy tính, phòng chức năng… Thế nhưng, điểm trường đã tồn tại khoảng 30 năm, trở thành nơi “gieo chữ” cho những đứa trẻ là con em của các gia đình nhập cư, lao động tự do sinh sống ở khu vực khu phố 5 phường 12.

“Bữa tiệc” chia tay của những đứa trẻ ở điểm trường Hải Đăng.
“Bữa tiệc” chia tay của những đứa trẻ ở điểm trường Hải Đăng.

Năm học 2022-2023 là năm học cuối cùng của lũ trẻ tại điểm trường. Bởi từ năm học mới, điểm trường sẽ được xoá bỏ. Toàn bộ HS, GV của Hải Đăng chuyển về trường chính là Trường TH Võ Nguyên Giáp. “Bữa tiệc” chia tay mái trường của lũ trẻ chỉ có mấy gói bánh gạo của một phụ huynh đem tới. Đám trẻ chia nhau bánh rồi ngồi bệt trước hành lang lớp học đơn sơ trò chuyện rôm rả. Chỉ sáng mai thôi, các em sẽ chính thức tạm biệt mái trường đơn sơ, tạm biệt góc sân nhỏ với những bông hoa nắng lung linh nhảy múa dưới lá xoài, tạm biệt ô cửa sổ lớp học và khoảng trời xanh ở một góc bình yên “bên lề” thành phố để đến với ngôi trường to đẹp và rộng rãi hơn.

Trước ngày khai giảng

Tạm chia tay bạn bè và cô giáo, Kiều Tiên trở về nhà. “Ngôi nhà” của Kiều Tiên là phòng trọ nhỏ chưa đầy 15m2 chỉ đủ che nắng, chứ không che được những cơn mưa xối xả. Nơi đây vốn là xưởng cá mắt kiếng, nay được cải tạo thành nơi ở cho công nhân. “Ngôi nhà” có Tiên, mẹ và cô em gái 3 tuổi. Góc học tập của Tiên là bất cứ chỗ nào trong căn phòng trọ chật hẹp và ẩm thấp ấy. Em thường học bài ngay dưới sàn nhà hoặc kê vở lên chiếc ghế nhựa để ngồi tập viết.

Cô trò tại điểm trường Hải Đăng chia tay mái trường trước ngày khai giảng năm học mới.
Cô trò tại điểm trường Hải Đăng chia tay mái trường trước ngày khai giảng năm học mới.

Hết năm lớp 1, khi vừa quen mặt chữ, Tiên suýt phải nghỉ học khi chỉ mới vừa quen mặt chữ. “Mẹ không lo nổi nữa rồi! Mẹ còn phải lo cho em nữa!”.

Nghe mẹ nói, Tiên oà khóc nức nở: “Ai cũng được đi học hết trơn mà sao mẹ bắt con nghỉ học?”. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.

Ngày tựu trường ở ngôi trường mới, Tiên không đến lớp. Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ, GV chủ nhiệm lớp 2 tìm tới tận nhà vận động. Chị Nguyễn Thị Thuý Loan, mẹ Tiên thổ lộ không dám cho con đi học vì không lo được tiền bán trú cho con. Cô giáo hứa sẽ vận động các nhà hảo tâm lo cho em bữa ăn bán trú. Cô Trần Thị Phương, cô giáo chủ nhiệm năm lớp 1 mang tới cho em bộ đồng phục, đôi dép quai hậu mới và bộ SGK đã cũ nhưng vẫn còn dùng được. Mẹ dùng gôm xoá sạch vết bút chì để Tiên dùng trong năm học mới.

Góc học tập của Kiều Tiên là chiếc ghế nhỏ đặt trên nền nhà.
Góc học tập của Kiều Tiên là chiếc ghế nhỏ đặt trên nền nhà.

Đêm trước khai giảng, cũng như bao ngày khác, Tiên và em gái theo mẹ vào xưởng cá. Ca làm việc của mẹ bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 2 giờ chiều. Mẹ kê mấy chiếc ghế sát lại cho Tiên nằm và mắc võng cho em bé để hai chị em ngủ ngay trong xưởng. Đêm hôm đó, cô bé không sao ngủ được khi nghĩ tới lễ khai giảng đầu tiên trong cuộc đời mình.

Cách nhà Tiên hơn 1 km là nhà của Mạnh Hùng, Thanh Tùng, hai anh em ruột cách nhau 1 tuổi nhưng cũng là bạn cùng lớp 1 ở điểm trường Hải Đăng. Hùng sinh năm 2015, nhưng dịch COVID-19 khiến em đến trường chậm 1 năm. Hết năm lớp 1, Hùng được lên lớp 2, còn cậu em trai thì ở lại lớp.

3 mẹ con Mạnh Hùng và Thanh Tùng chuẩn bị cho năm học mới với sách vở, giày dép, đồng phục đã cũ.
3 mẹ con Mạnh Hùng và Thanh Tùng chuẩn bị cho năm học mới với sách vở, giày dép, đồng phục đã cũ.

Nhà Hùng và Tùng có tổng cộng 4 anh em trai: Hùng 8 tuổi, Tùng 7 tuổi, hai em trai 36 tháng và 13 tháng. Ba em làm nghề bốc vác nhưng mấy tháng nay ít việc nên vào đùng bắt ốc thuê. Mẹ em trước đây làm trong xưởng cá, hiện không có việc làm, ở nhà nội trợ. Ông ngoại em đã 62 tuổi chạy xe ôm ở Ẹo ông Từ từ 1 giờ đêm tới 5 giờ sáng.

Cách đây khoảng 20 năm, chị Huỳnh Hồng Hà, mẹ của Tùng và Hùng từng là học trò của điểm trường Hải Đăng. Nhờ có điểm trường này, chị Hà mới học xong Tiểu học. Nghe tin xoá bỏ điểm trường, đưa HS ra trường chính, chị Hà tính cho hai con nghỉ học.

“Trường Hải Đăng thiếu thốn đủ thứ. Các con tới học chỉ để học, buổi trưa về nhà ăn cơm, không phải đóng góp gì. Ra trường mới, em sợ không lo được cho con”, chị giãi bày. Cô giáo của Tùng và Hùng tìm đến tận nhà vận động. Chị Hà “thương lượng”: “Nhà trường đồng ý cho em chạy tiền đóng tiền ăn hàng tháng cho con trước, các khoản khác từ từ đóng sau, thì em mới dám cho con đi học”. Ông ngoại Hùng thân hình còm cõi, gương mặt khắc khổ hằn đầy những nếp nhăn lên tiếng: “Ba đi chạy xe về, ba sẽ đưa rước tụi nhỏ!”.

Sát ngày khai giảng, chị Hà soạn lại quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cũ để chuẩn bị cho con tới trường. Chiếc áo đồng phục đã ngả màu “cháo lòng” theo Hùng và Tùng tới lễ khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng đặc biệt

5 giờ sáng ngày 5/9, Hùng đánh thức ba mẹ và em trai dậy để chuẩn bị đi dự lễ khai giảng. Ăn xong tô mì, hai anh em thay đồng phục rồi theo mẹ tới trường. Đưa con đến trường, chị Hà cũng chộn rộn những cảm xúc khó tả. Bởi không chỉ với 2 con, đây cũng là lần đầu tiên trong đời chị được dự lễ khai giảng.

Không để học sinh nào
vì khó khăn mà phải bỏ học

Việc sáp nhập điểm trường đã tồn tại gần 30 năm về cơ sở chính là một hành trình không dễ dàng. Bởi HS tại cơ sở Hải Đăng hầu hết là những em khó khăn cả về hoàn cảnh gia đình và điều kiện đi lại. Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết: “Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khảo sát cơ sở Hải Đăng. Tại đây, HS phải học tập trong những phòng học chật chội, nóng nức, cả cơ sở vật chất và chương trình dạy học đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo thành phố đã làm việc với Phòng GD-ĐT, Ban giám hiệu nhà trường, UBND phường 12 trên tinh thần nỗ lực cao nhất đưa gần 60 HS về cơ sở chính, để các em được học tập trong điều kiện tốt nhất. Đây cũng là điều lãnh đạo thành phố đã mong mỏi từ lâu và quyết tâm thực hiên trong năm học này”.

Bên cạnh việc vận động phụ huynh, UBND thành phố đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với địa phương rà soát hoàn cảnh cụ thể của từng HS để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Ngay đầu năm học mới, nhà trường, địa phương đã vận động các nhà hảo tâm tặng xe đạp, bảo hiểm y tế, sách vở, tạo động lực cho các em HS yên tâm tới lớp.

Trong buổi gặp gỡ cán bộ, GV Trường TH Võ Nguyên Giáp ngay sau lễ khai giảng năm học mới, ông Hoàng Vũ Thảnh tâm tư: “Ở ngôi trường này, ranh giới trong việc học tập của các em chỉ mong manh như sợi chỉ. Chúng ta chỉ cần lơ là một chút là sẽ có HS bỏ học. Do đó, trong suốt quá trình học, tôi mong các thầy cô quan tâm đặc biệt, cập nhật thường xuyên tình hình của từng em. Nếu có phát sinh khó khăn phải kịp thời hỗ trợ các em. Đồng thời GV chủ nhiệm cần kết nối với cha mẹ HS. Khi nhà trường và phụ huynh gắn kết, chia sẻ khó khăn thì chắc chắn phụ huynh sẽ không thể cho con nghỉ học”.

Đồng cảm với khó khăn của các thầy cô giáo ở ngôi trường đặc biệt này, ông Thảnh cũng nhắn nhủ: “Muốn tốt thì phải nỗ lực, muốn vượt qua khó khăn thì phải nỗ lực rất nhiều. Tôi muốn lan toả đến các thầy cô giáo tinh thần nỗ lực thực sự, làm việc thực sự. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ gặp những vất vả thực sự nhưng rồi sẽ gặt hái được những kết quả thực sự”.

5 giờ 25 phút tại xưởng cá, Kiều Tiên thức dậy để chuẩn bị tới trường. Trường TH Võ Nguyên Giáp cách điểm trường Hải Đăng khoảng 4km. Đứng trước ngôi trường mới, Tiên không khỏi choáng ngợp: “Trường đẹp quá cô ơi!”, Kiều Tiên thốt lên khi nhìn thấy sân trường rộng thênh thang với những dãy nhà cao tầng đồ sộ, rợp cờ và hoa với hơn 1.200 HS. Các cô giáo xinh đẹp, thướt tha trong bộ áo dài màu cánh sen rực rỡ. Các anh chị HS trong đội nghi thức chỉn chu với bộ đồng phục trắng tinh. Các em HS đầu cấp xinh xắn trên tay vẫy vẫy lá cờ nhỏ. Trong tiếng trống đội rộn rã, cô Hiệu trưởng cùng các cô giáo chủ nhiệm đón các em HS đầu cấp vào trường.

Dưới sân trường rộng lớn, Tiên cùng những học trò chuyển ra từ điểm trường theo dõi không chớp mắt các nghi thức, các tiết mục văn nghệ của buổi lễ khai giảng, những điều các em chưa từng được chứng kiến. Bởi điểm trường Hải Đăng không có lễ khai giảng. Dịp khai giảng hàng năm, Ban Giám hiệu Trường TH Võ Nguyên Giáp thông báo cho phụ huynh ở điểm trường đưa con em mình ra trường chính dự lễ. Tuy nhiên, chỉ có một số ít phụ huynh đưa con tới. Năm học này, các em mới được dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời, tại ngôi trường mình theo học. “Con muốn đi học nhất!”, Kiều Tiên trả lời ngay tắp lự khi được hỏi về mong ước của em trong năm học mới.

Trong lễ khai giảng đặc biệt, cô Trần Thị Phương, GV đã có gần 20 năm gắn bó với cơ sở phụ Hải Đăng rưng rưng: “Tôi thực sự hạnh phúc khi được chào đón năm học mới cùng với các em HS của mình. Tôi mừng cho các em HS Hải Đăng được về học tập ở cơ sở chính đầy đủ cơ sở vật chất. Ở đây, các con sẽ được học ngoại ngữ, học bơi, học kỹ năng sống, được tham gia các hoạt động ngoại khoá, những thứ mà ở điểm trường không có được! Tôi cũng vui cho chính bản thân mình cùng đồng nghiệp đang công tác tại điểm trường. Từ nay, chúng tôi sẽ được trở về làm việc với tập thể dưới một mái trường, nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ Ban giám hiệu nhà trường và những người đồng nghiệp thân thương. Tôi chỉ còn đôi chút băn khoăn về việc các con còn thiếu nhiều kỹ năng, chưa thể bắt nhịp ngay với các hoạt động ở cơ sở chính”.

Sau lễ khai giảng, các em HS trở về lớp. Lớp học của Tiên ở trên lầu 1. Cô bé bước lên lầu với những bước chân luýnh quýnh. “Con chưa được đi cầu thang bao giờ nên con thấy không quen. Con cứ phải đi chậm chậm vì sợ bị té”, Tiên cười ngượng nghịu. Ngồi trong phòng học rộng rãi, thoáng đãng và rực rỡ, cô bé không chán mắt những bông hoa bằng vải dạ nỉ đủ màu sắc trang trí trong lớp học. Những cánh hoa mang dòng chữ: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” theo em vào cả trong những giấc mơ.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 

;
.