Hiểu đúng về thuốc trị bệnh

Thứ Sáu, 22/09/2023, 16:23 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi khi có bệnh không ít người dân có thói quen ra tiệm thuốc Tây kể bệnh và được nhân viên cho thuốc về uống. Điều này vô tình đã tạo ra thói quen dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Khi cần uống thuốc, hãy nhớ đến nguyên tắc đúng bệnh, đúng thuốc,  đúng lúc, đúng liều, đúng cách.
Khi cần uống thuốc, hãy nhớ đến nguyên tắc đúng bệnh, đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều, đúng cách.

Anh P.T.N ở TP.Vũng Tàu bị nhức đầu, ra nhà thuốc rồi được nhân viên bán cho loại thụốc giảm đau phổ biến là Paracetamol. Tuy nhiên thay vì phải hỏi bệnh nhân có mắc bệnh về gan không (vì Paracetamol có độc tính với gan) thì nhân viên nhà thuốc vẫn  bán. Hay như Aspirin chẳng hạn, cũng là loại thuốc giảm đau, hạ sốt rất thông dụng, nhân viên nhà thuốc bán mà không hỏi bệnh nhân có bị đau dạ dày hoặc tình trạng sốt như thế nào, có nổi những vết đỏ trên da không. Khi ấy, nếu bệnh nhân đang bị viêm loét dạ dày hoặc sốt xuất huyết thì chảy máu dạ dày hoặc sốc xuất huyết sau khi uống Aspirin là điều hoàn toàn có thể xảy ta.

Chính vì thế, Bộ Y tế quy định người đứng tên pháp lý ở các nhà thuốc Tây phải là dược sĩ đại học hoặc dược sĩ trung cấp và phải có mặt thường trực ở nhà thuốc. Tuy nhiên, nhiều nhà thuốc mướn bằng dược sĩ để hợp thức hóa về mặt giấy phép kinh doanh, còn dược sĩ cho mướn bằng hầu như chỉ xuất hiện khi nào có đoàn thanh tra đến!

Thuốc trị bệnh giống như con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng điều trị, nó có thể gây ra một số bất lợi không mong muốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu dùng thuốc sai chỉ định.

Vì thế, nếu mắc phải một số bệnh thông thường như nhức đầu, cảm cúm, sổ mũi, ho, ngứa, nổi mề đay… người bệnh nếu không có điều kiện gặp bác sĩ thì lúc đến nhà thuốc Tây, nên nói rõ cho người bán thuốc biết những bệnh mà mình đã mắc phải từ trước (nếu có). Tuyệt đối không sử dụng đơn thuốc hoặc lời mách bảo của người khác dù họ cũng đã bị bệnh như mình vì cơ địa mỗi người mỗi khác nhau, sự dung nạp thuốc cũng khác nhau. Cũng cần tránh sử dụng lại đơn thuốc của những lần đi khám trước vì sau thời gian điều trị, cơ chế bệnh có thể đã thay đổi, nhất là với những bệnh nhiễm trùng tái phát…

Lưu ý rằng nhiều bệnh nhân hoàn toàn hết các triệu chứng sau khi uống những loại thuốc điều trị triệu chứng nên cho rằng mình đã khỏi trong lúc nguyên nhân và tác nhân gây bệnh vẫn chưa được loại trừ. Chẳng hạn như bệnh nhân đau dạ dày, sau vài ngày uống thuốc kháng axit (Phosphalugel, Kremil S chẳng hạn) thì thấy hết nên không điều trị nữa trong lúc nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn HP, do viêm loét, do ung thư. Điều ấy có thể dẫn đến tình trạng bệnh tái phát với mức độ nặng hơn.

Nói tóm lại, khi cần phải sử dụng thuốc trị bệnh, người bệnh nên chú ý và tuân thủ 5 nguyên tắc mà Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra. Đó là Đúng bệnh, Đúng thuốc, Đúng lúc, Đúng liều và Đúng cách.

Dược sĩ NGUYỄN VĂN ĐẠT

;
.