Giảm độ chênh lệch về chất lượng giáo dục

Chủ Nhật, 17/09/2023, 21:42 [GMT+7]
In bài này
.

Chất lượng dạy và học tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, đó là đánh giá của Sở GD-ĐT từ kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua. Trước thực trạng đó, năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đổi mới giảng dạy, thực hiện cam kết chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cấp THCS.

TP. Vũng Tàu là địa phương có kết quả thi tuyển sinh lớp 10 dẫn đầu toàn tỉnh. Trong ảnh: HS dự thi tuyển sinh lớp 10 tại điểm thi THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).
TP. Vũng Tàu là địa phương có kết quả thi tuyển sinh lớp 10 dẫn đầu toàn tỉnh. Trong ảnh: HS dự thi tuyển sinh lớp 10 tại điểm thi THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).

Chất lượng giáo dục có “độ chênh” lớn                    

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là tấm gương phản ánh tương đối rõ nét chất lượng giáo dục của các địa phương, các cơ sở giáo dục.

Ông Trần Văn Thương, Phó Phòng Giáo dục trung học - Thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết, trong 3 bài thi lớp 10 vừa qua, phổ điểm trung bình môn Toán của toàn tỉnh là 6,42 điểm, có 20,01% bài thi dưới 5 điểm. Môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,66 điểm. Trong đó, 28,82% số bài dưới 5 điểm. Riêng môn tiếng Anh điểm trung bình là 5,58 điểm và có tới 42.6% số bài dưới điểm 5.

HS Trường THCS Nguyễn Du (TP. Bà Rịa) trong một tiết học.
HS Trường THCS Nguyễn Du (TP. Bà Rịa) trong một tiết học.

Ông Thương nhận định: “Điểm thi có sự phân hóa trong từng môn cũng như giữa các địa phương và các trường”. TP. Vũng Tàu có điểm các môn đều trên mặt bằng chung toàn tỉnh. Trong đó, tiếng Anh cao hơn 1,17 điểm; Toán cao hơn 0,84 điểm; Ngữ văn cao hơn 0,76 điểm.

Xuyên Mộc và Châu Đức là 2 địa phương có kết quả thi vào nhóm thấp nhất. Đặc biệt, môn Tiếng Anh ở huyện Xuyên Mộc chỉ đạt 4.46 điểm, thấp hơn mặt bằng chung của toàn tỉnh đến 1,12 điểm.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc chú trọng dạy học phân hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một tiết học của HS Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu).
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc chú trọng dạy học phân hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một tiết học của HS Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu).

“Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024, đã phản ánh thực trạng chất lượng dạy và học tại các địa phương. Những nơi thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều giải pháp phù hợp trong việc ôn tập, thi thử, phối hợp với phụ huynh HS…thì kết quả cao. Ngược lại, những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo còn buông lỏng quản lý, GV còn ngại đổi mới, phụ huynh HS ít quan tâm đến việc học của con em thì chất lượng tuyển sinh hạn chế”, ông Thương nói.

Cần cam kết chất lượng giáo dục

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, Sở GD-ĐT đề ra nhiều giải pháp để giảm độ chênh về chất lượng giáo dục trong năm học 2023-2024. 

Hiện nay, Sở đã chuyển dữ liệu kết quả thi tuyển sinh lớp 10 về các địa phương để phòng GD-ĐT và các trường THCS tiến hành phân tích phổ điểm, đánh giá chất lượng của đơn vị. Từ đó có định hướng để khắc phục hạn chế.

Theo ông Ba, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là ngành GD-ĐT các địa phương cần tiếp tục đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt cụm trường, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và đẩy mạnh hoạt động dự giờ thăm lớp, phân tích, rút kinh nghiệm giờ dạy.

Đặc biệt, cần yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện cam kết chất lượng ngay từ đầu năm. 

Các trường cũng cần chú trọng xây dựng kế hoach thi thử, nhưng không phải chỉ để thông báo kết quả cho HS và phụ huynh. Phải tiến hành phân tích đề thi, ma trận đề, kết quả thi thử để rút ra được điểm mạnh, điểm yếu của từng khâu, từng môn, từng lớp, từng HS. Trên cơ sở đó chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn, GV đề ra giải pháp hợp lý trong quá trình dạy và ôn tập.

Dạy học phù hợp thực tế năng lực học sinh

Lãnh đạo Sở GD-ĐT đề cao vai trò của việc dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh. Theo ông Ba, ngay đầu năm học, GV phải nắm bắt hoàn cảnh và năng lực của từng HS thông qua kết quả năm trước, từ GV lớp dưới. Qua đó đề ra giải pháp dạy học phù hợp với từng HS, phối hợp với phụ huynh để giáo dục, hỗ trợ các em. Việc kịp thời có những giải pháp tư vấn, hỗ trợ, định hướng phù hợp sẽ giúp các em vượt qua khó khăn, tiến bộ trong học tập và lựa chọn đúng hướng đi trong giai đoạn tiếp theo.

Trong quá trình học tập, GV cần xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo cho HS yếu kém nhằm hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học, đặc biệt đối với HS lớp 9. Đối với ôn tập thi tuyển sinh lớp 10, phải chú ý phân loại đối tượng HS theo năng lực chứ không theo lớp học chính khóa để có kế hoạch và giải pháp ôn tập phù hợp. “Ngoài ra, trong quá trình xây dựng tài liệu, các tổ bộ môn cần chú trọng cơ cấu nội dung phù hợp với năng lực từng lớp ôn tập.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

 
;
.