Bệnh tay chân miệng có nguy cơ tăng cao

Thứ Hai, 18/09/2023, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Số ca bệnh tay chân miệng (TCM) từ đầu năm đến nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là nguy cơ bùng phát bệnh này trong các trường học. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Điện, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự phức tạp của dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh?

- Ông Nguyễn Viết Điện: Từ đầu năm đến hết ngày 14/9, trên địa tỉnh ghi nhận 2.232 ca mắc TCM, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc TCM năm nay tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh có 243 ổ dịch, gồm 214 ổ dịch cộng đồng và 29 ổ dịch trường học. Số ca TCM trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng mạnh từ tuần 24 (tháng 6/2023) và đạt đỉnh điểm tại tuần 28 (240 ca mắc/tuần).

Đáng lưu ý, chủng vi rút Enterrovirus 71 đang chiếm ưu thế là một trong những nguyên nhân khiến bệnh TCM tăng trên địa bàn tỉnh. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh và độc lực rất cao nên khiến người nhiễm bệnh bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao hơn so với các tác nhân khác. Đây cũng là chủng tác nhân gây nên các ổ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Hơn nữa, phương thức lây truyền bệnh TCM bằng đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà. Đặc biệt, khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp, việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người.

Bệnh TCM thường gặp ở nhóm trẻ mầm non dưới 5 tuổi trong khi nhóm này vẫn đi học hè. Khoảng 80% người lớn mắc TCM không có triệu chứng, là nguồn lây chính cho trẻ. Ngoài những yếu tố trên, theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm, khi ca mắc tăng sẽ kéo theo số ca bệnh nặng tăng và dẫn đến tỷ lệ tử vong sẽ cao. Một số nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ nặng, tử vong là có những trường hợp không điển hình và các triệu chứng không rõ ràng dẫn đến công tác chẩn đoán đánh giá điều trị không kịp thời. Điều này cũng tác động đến việc đánh giá nguy cơ chuyển nặng và chuyển tuyến kịp thời của các cơ sở điều trị.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh TCM. Trong ảnh: HS Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) rửa tay trước khi ăn trưa.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh TCM. Trong ảnh: HS Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) rửa tay trước khi ăn trưa.

* Dự báo tình hình bệnh TCM sẽ tiếp tục diễn biến ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

- Số ca TCM trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm từ tuần 32 đến tuần 35 so với tuần 28 đến tuần 31 (giảm 40%). Tuy nhiên, số ca mắc trong giai đoạn này vẫn đang rất cao so với cùng kỳ trung bình 3 năm giai đoạn 2020-2022. Cùng với đó, thời điểm này HS đến trường học tập trung nên nguy cơ bùng dịch TCM rất cao. Theo quy luật hàng năm, dịch bệnh TCM thường có 2 đỉnh dịch, diễn ra vào tháng 7 và tháng 11. Vì vậy, với sự tham mưu của ngành y tế, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền cho người dân, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm giảm số ca mắc TCM trong thời gian tới.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

 

* Theo ông, các trường học cần thực hiện các biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh TCM cho HS?

- Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, các trường học, hộ gia đình cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng các cách như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Thức ăn cho trẻ cần đủ chất dinh dưỡng, thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Nhà trẻ, mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Mặt khác, tất cả giáo viên mầm non, nhà trẻ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống TCM để nhận biết trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện thường quy kiểm tra tay, chân, miệng cho trẻ trước khi nhận vào lớp học. Thông báo ngay cho trạm y tế trên địa bàn khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HỒNG PHƯƠNG
(Thực hiện)

 
;
.