Khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm kết giác mạc (hay còn gọi bệnh đau mắt đỏ) tại Bệnh viện Mắt tỉnh tăng cao đột biến. Trong số này có nhiều trường hợp bị biến chứng, gây viêm loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho một trường hợp đau mắt đỏ. |
Khoảng 30% ca bệnh có biến chứng
Em Đặng Quang Vinh (17 tuổi, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) có biểu hiện sưng mắt bên phải, mắt đỏ và có ghèn, nhức mỏi và chảy nước mắt khiến em khó chịu. Việc quan sát và nhìn mọi vật của em cũng trở nên bị hạn chế. Ban đầu, em nghĩ do mình bị bụi rơi vào mắt nên hay dùng tay dụi, mới dẫn đến mắt bị tổn thương. Thế nhưng, khi được bác sĩ của Bệnh viện Mắt tỉnh thăm khám, em Vinh mới biết bị đau mắt đỏ. Do thăm khám sớm nên bác sĩ chẩn đoán bệnh của Vinh ở mức độ trung bình. “Bác sĩ kê đơn thuốc cho em về nhà uống và nhỏ trong 5 ngày, sau đó tái khám. Bác sĩ còn tư vấn, căn dặn em thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không lây lan cho các thành viên khác trong gia đình”, Vinh cho biết.
Sau khi thấy 2 con mắt có màu đỏ, kèm theo chảy nước mắt, sưng mắt, nhức tròng, có ghèn và nhìn mờ, bà Trần Thị Thoa (58 tuổi, TP.Bà Rịa) đến Bệnh viện Mắt tỉnh để khám và lấy thuốc về uống. Bà Thoa cho biết, bà mới ở quê vào chăm 2 cháu, nhưng 2 cháu của bà cũng đang bị đau mắt đỏ. Bà thường xuyên tiếp xúc gần và chăm sóc các cháu nên bị lây bệnh. Bà Thoa cho hay: “Tôi bị đau mắt đỏ mới 1 ngày, việc sinh hoạt và làm việc nhà trở nên bất tiện. Tôi được bác sĩ kê đơn mấy loại thuốc kháng sinh có tác dụng giảm đau, giảm viêm và thuốc nhỏ mắt để về nhà uống. Hi vọng bệnh sẽ nhanh khỏi”.
Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu (Bệnh viện Mắt tỉnh) chỉ ghi nhận vài trường hợp đau mắt đỏ, thậm chí có những ngày không có bệnh nhân. Thế nhưng, khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và lấy thuốc tăng đột biến, khoảng 40 ca/ngày. Có nhiều trường hợp từ 1 người bị bệnh đã lây lan cho nhiều thành viên khác trong gia đình. Điều đáng lo ngại, trong tổng số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, có khoảng 30% ca bệnh bị biến chứng, gây viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực. Nguyên nhân do những người này tự điều trị ở nhà hoặc không được điều trị kịp thời.
CON ĐƯỜNG LÂY BỆNH
Tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi. Chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như gối, khăn mặt, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi… Sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh ao hồ, bể bơi… Thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Không vệ sinh đúng cách kính áp tròng. Tốc độ lây lan trong cộng đồng của bệnh đau mắt đỏ rất nhanh nên những địa điểm công cộng và nơi mật độ dân cư cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ “bùng phát thành dịch”. Bệnh đau mắt đỏ có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, dân gian như nhỏ sữa mẹ, đắp hành củ, xông lá trầu,... Ngoài ra, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. |
Bệnh lây lan nhanh nhưng điều trị đơn giản
Đau mắt đỏ là bệnh lý nhãn khoa rất phổ biến, ở nước ta, chiếm khoảng 8% các bệnh về mắt. Nguyên nhân chính gây ra bệnh này do vi rút và vi trùng. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa, từ tháng 9-11. Bệnh có các triệu chứng điển hình như: Cộm xốn, ngứa mắt, sưng đỏ mí và kết mạc, khiến người bệnh rất khó chịu, phải thường xuyên dụi mắt; chảy nước mắt và rỉ ghèn, nhất vào buổi sáng ghèn làm dính chặt lông mi, gây khó mở mắt. Một số trường hợp đau mắt đỏ còn bị nổi hạch trước tai, sưng và đau.
Bệnh thường sẽ giảm dần và lành sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu bị biến chứng viêm giác mạc sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, nhìn mờ, chói mắt khi nhìn ra ánh sáng, nhưng không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây viêm loét giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài. Bệnh đau mắt đỏ lây lan theo các đường như: Tiếp xúc trực tiếp với rỉ ghèn của bệnh, qua hơi thở và nước bọt người bệnh, những vật dùng chung (ly cốc, khăn mặt, chăn gối...) và nước hồ bơi. Vì vậy, bệnh có thể phát triển nhanh thành dịch ở những nơi đông người, gồm: Trong gia đình, trường học, ký túc xá HS-SV. Bệnh không lây qua việc nhìn vào mắt bệnh nhân. Do đó, việc đeo kính chỉ giúp người bệnh bớt chói mắt và khó chịu do bụi bặm, ánh sáng... chứ không ngăn chặn sự lây lan của bệnh như dân gian thường quan niệm trước đây.
CÁCH PHÒNG NGỪA LÂY LAN BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Không tiếp xúc gần với người bệnh như ngủ, ôm, hôn. Không dùng đồ chung với người bệnh. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, điều này nguy hiểm vì sẽ làm lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc. Khi giáo viên, hoặc học sinh bị bệnh, cần phải cách ly tại nhà, tránh lây lan cho người khác, từ 3-5 ngày. Người bệnh cần rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, không dụi tay bẩn lên mắt. Ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh, phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình hoặc người khác. |
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết, điều trị bệnh đau mắt đỏ khá đơn giản, bằng cách uống thuốc giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh, nhỏ tại chỗ. Song, điều trị không đúng chỉ định và không kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh, người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế có bác sỹ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị và tuân thủ điều trị theo chỉ định. Không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc của người khác khi không có chỉ định của bác sỹ. Không nên xông hoặc đắp mắt bằng các loại lá trầu, thuốc dân gian hoặc thán mực tàu để tránh làm bệnh nặng thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG