Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu: Trả lại chức năng vận động cho người bệnh

Thứ Sáu, 11/08/2023, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm qua, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) ứng dụng Kỹ thuật vi phẫu vào phẫu thuật để nối các mạch máu và dây thần kinh. Điều này không chỉ giúp người bệnh phục hồi các chức năng vận động mà còn có tính thẩm mỹ.

Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra vết thương sau phẫu thuật cho bệnh nhân N.V.H.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra vết thương sau phẫu thuật cho bệnh nhân N.V.H.

Thành công trên nhiều ca bệnh phức tạp

Ngày 1/8, anh N.V.H., (27 tuổi, ngụ ở huyện Xuyên Mộc) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến cẳng chân phải bị dập nát xương và phần mềm 1/3 dưới cẳng chân, bàn chân chỉ còn dính với phần cẳng chân qua một phần da và ít gân, máu chảy rất nhiều, bất tỉnh. Trước tình trạng nguy hiểm của người bệnh, các bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu để nối lại chi bị đứt lìa càng sớm càng tốt. Đây là một ca bệnh phức tạp và nặng, nên ca mổ được bác sĩ sử dụng kỹ thuật vi phẫu trong khâu nối mạch máu.

Nhờ có kính lúp vi phẫu có độ phóng đại gấp 4 lần (sử dụng chỉ vi phẫu rất nhỏ, chỉ prolen 8.0), các bác sĩ thực hiện thuận lợi và chính xác các khâu nối mạch máu gồm: Động mạch chày trước, ghép nối tĩnh mạch hiển lớn, khâu nối các phần mềm gân cơ, khâu da che phủ vết thương. Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công, chi đứt lìa được nối lại, bàn chân ấm hồng. Điều này mang lại niềm vui khôn xiết cho bệnh nhân H. “Tôi còn đang trẻ nên khi bị tai nạn nặng, tôi rất hoang mang và lo sợ. May nhờ được các bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) khẩn trương phẫu thuật đã cứu được bàn chân cho tôi, giúp tôi có đôi chân lành lặn”, anh H chia sẻ.

Hồi giữa tháng 5/2023, bệnh nhân N.D.P., (40 tuổi, ở huyện Xuyên Mộc) cũng được Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối bàn tay trái bị đứt rời khỏi cổ tay do bị người khác chém. Trong phẫu thuật, bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật vi phẫu cho nối mạch máu và nối thần kinh như: Nối 2 động mạch chính (động mạch quay và động mạch trụ), 3 tĩnh mạch, nối 3 thần kinh chính (thần kinh quay, thần kinh trụ và thần kinh giữa). Sau khi ra hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh táo, bàn tay ấm hồng, gấp duỗi các ngón tay được và đúng động tác. Trường hợp này cũng là ca phẫu thuật đặc biệt. Việc phẫu thuật thành công cho ca bệnh có nhiều ý nghĩa, vừa cứu sống lại chi thể bị đứt lìa, vừa lấy lại chức năng vận động và thẩm mỹ cho người bệnh.

40% bác sĩ thực hiện được kỹ thuật

Theo lãnh đạo Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa), từ những năm 2000, Bệnh viện Bà Rịa bắt đầu triển khai kỹ thuật vi phẫu. Tuy nhiên, do đây là kỹ thuật khó và phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có trình độ cao mới thực hiện được. Vì thế, giai đoạn đầu, khoa bắt đầu thực hiện nối các mạch máu ở bàn tay, nhưng mới chỉ có bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình mới thực hiện. Trước những yêu cầu đòi hỏi về nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng nhu cầu người bệnh, Bệnh viện Bà Rịa tạo điều kiện và cử các bác sĩ đi học tập, nâng cao trình độ, tay nghề thực hiện kỹ thuật vi phẫu. Đồng thời, bệnh viện được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ việc triển khai kỹ thuật vi phẫu. Đến nay Khoa Chấn thương chỉnh hình có khoảng 40% bác sĩ thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu từ những ca bệnh đơn giản đến phức tạp.

“Việc sử dụng kỹ thuật vi phẫu sẽ rút ngắn thời gian phẫu thuật, mang lại sự an toàn cho người bệnh, loại bỏ các biến chứng trong phẫu thuật. Qua đó, giúp người bệnh giữ được hình ảnh cơ thể, cảm giác vận động, trở lại cuộc sống bình thường. Hiện trung bình mỗi tháng, khoa thực hiện kỹ thuật vi phẫu cho 4 ca phức tạp, mỗi tuần 5-6 ca đơn giản “, bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cho hay, kỹ thuật vi phẫu được khoa ứng dụng trong phẫu thuật để nối các phần cơ thể đứt rời, khâu nối các mạch máu, nối dây thần kinh, chuyển vạt tự do để điều trị những khuyết hổng ở chi thể… Việc sử dụng kỹ thuật vi phẫu có lợi cho bệnh nhân lẫn đội ngũ y bác sĩ. Quan trọng nhất là trong phẫu thuật có kính lúp vi phẫu với độ phóng đại gấp 4 lần giúp bác sĩ quan sát kỹ các cấu trúc phức tạp bên trong cơ thể nên thực hiện chính xác việc nối các mạch máu hay dây thần kinh cho người bệnh.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.