TP. Vũng Tàu: Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 10%
Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, chiều 17/8, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND TP.Vũng Tàu.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND TP. Vũng Tàu về công tác phân luồng, hướng nghiệp. |
Tại TP. Vũng Tàu, thời gian qua, các cơ quan có liên quan, UBND phường, xã, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp… đã phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục hướng nghiệp cho HS. Các trường học thực hiện tốt việc dạy học lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong các bộ môn văn hoá và hoạt động giáo dục. Trong đó, chú trọng tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm tại các trường dạy nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn 2019-2023, thành phố đã tổ chức được 117 buổi tuyên truyền cho 1.760 cán bộ quản lý, GV; 90 buổi tuyên truyền cho 10.921 phụ huynh và 149 buổi tuyên tuyền, tư vấn cho hơn 19 ngàn HS THCS. Từ năm học 2019-2020 tới 6/2023, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ và hoàn học phí cho 292 HS tốt nghiệp THCS theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố mới chỉ đạt khoảng 10%. Năm 2023, toàn thành phố hiện còn 60 HS không tiếp tục học văn hoá cũng như theo học giáo dục nghề nghiệp.
Khó khăn của thành phố trong công tác phân luồng hướng nghiệp là chưa có tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp và tiêu chuẩn lựa chọn đối với người làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong trường phổ thông. Thông tin về thị trường lao động, việc làm, các cơ sở giáo dục và ngành nghề đào tạo cùng chính sách đối với người học còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con em theo học chương trình THPT, không muốn con em mình theo học nghề quá sớm…
UBND TP. Vũng Tàu đề xuất Sở GD-ĐT kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chí đánh giá thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông, tiêu chuẩn đối với người làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong nhà trường. Đồng thời đề nghị nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phối hợp với các trung tâm GDTX triển khai dạy văn hoá cho HS theo học nghề và điều chỉnh tỷ lệ phân luồng cho hợp lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị thành phố quan tâm đặc biệt tới những HS chưa có định hướng sau tốt nghiệp THCS, không để các em sa vào tệ nạn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp.
KHÁNH CHI