Với phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ, những người lính trở về hậu phương vẫn luôn phát huy tinh thần của chiến sĩ cách mạng, hăng hái học tập và lao động sản xuất nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Hội CCB huyện Xuyên Mộc có nhiều tấm gương vượt khó như thế.
CCB Nguyễn Đức Quý (ấp 7, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc đàn dê. |
Không cam chịu đói nghèo
Trong căn nhà cấp 4 ở ấp 1 (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc), ông Phạm Văn Nhân (SN 1968) luôn cẩn thận giữ gìn nhiều bằng khen, giấy khen được tặng những năm qua. Ông Nhân trang trọng treo ở phòng khách và xem đây là những món quà tinh thần vô giá trong quá trình gắn bó với các hoạt động tại địa phương.
Bên tách trà nóng, ông Nhân kể về những năm tháng tham gia chiến trường tại Campuchia từ năm 1987 đến năm 1989. Khói lửa bom đạn đã lấy đi một bên chân của ông, nhưng trở về với cuộc sống đời thường, ông Nhân (thương binh hạng 3/4) vẫn cố gắng lao động để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 1999, sau khi rời quê hương Tiền Giang đến Bà Rịa-Vũng Tàu, gia đình ông mua 2ha đất và vay 5 triệu đồng theo chính sách dành cho người có công để đầu tư trồng nhãn và chăn nuôi heo. Đất không phụ lòng người, sau nhiều năm vun trồng, vườn cây ăn trái của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Ông còn thuê thêm 2ha đất để mở rộng diện tích trồng nhãn lên 4ha. Vào vụ, vườn nhãn của ông giải quyết việc làm cho 20 nhân công là lao động địa phương.
Với chất lính, giàu lòng nhân ái, giàu nghĩa tình đồng đội, ông Nhân thường xuyên giúp đỡ người khó khăn bằng vật chất cũng như hỗ trợ hàng trăm cây giống và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong nghề trồng nhãn cho đồng đội, nay là CCB.
Hội đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi tới các cấp hội. Huyện có hàng trăm CCB là chủ các mô hình phát triển kinh tế. Số hội viên CCB giàu, khá chiếm trên 73%, còn lại là hội viên có mức sống trung bình, không còn hội viên nghèo. Phong trào này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của các địa phương. Ông Khuất Duy Chính, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Xuyên Mộc |
Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, CCB Nguyễn Đức Quý (SN 1955, ấp 7, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) trở thành gương sáng về lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Gần 35 năm trước, gia đình ông đến huyện Xuyên Mộc lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Đến nay, gia đình ông có gần 2ha đất trồng dừa, măng, cây ăn quả và nuôi gần 30 con dê. Mô hình kinh tế này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Quý cho rằng, bản thân là người lính được rèn luyện trong môi trường quân ngũ thì không được lùi bước trước mọi trở ngại, nhất là trên mặt trận phát triển kinh tế. Với 2ha đất canh tác, ông áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, vợ chồng ông có điều kiện nuôi dạy các con trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Các con, cháu của ông đều ngoan hiền, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Đặc biệt, tháng 5/2023, ông Quý là người tiên phong trong việc tình nguyện hiến 500m2 đất để cải tạo con suối làm kênh mương thoát nước dài hơn 2km. Đến nay, con suối đã hoàn thiện, bà con địa phương rất phấn khởi khi việc đi lại thuận lợi hơn và không còn tình trạng nước ngập úng tràn vào nhà khi mưa lớn.
CCB Phạm Văn Nhân (ấp 1, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) bên vườn nhãn cho nhiều năng suất cao. |
Tích cực phát triển kinh tế
Huyện Xuyên Mộc hiện có 2.228 hội viên CCB. Để giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, Hội CCB huyện Xuyên Mộc đã tích cực vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đưa phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả. Thông qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu từ các mô hình sản xuất.
Đến nay tổng số vốn của Hội tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hội viên vay ưu đãi là hơn 1 tỷ đồng. Huyện hội cũng phát huy hiệu quả mô hình “1 cây 1 con” với số tiền 3,9 tỷ đồng, giúp cho 437 hội viên vay với lãi suất thấp để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN