.

Nhiều ý tưởng khởi nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 19:05, 15/08/2023 (GMT+7)

Vòng chung kết cuộc thi ý tưởng sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp “Thanh niên Bà Rịa - Vũng Tàu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” năm 2023 do Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở KHCN vừa tổ chức đã ghi nhận nhiều ý tưởng đột phá. Những ý tưởng này có điểm chung là kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mục tiêu tăng trưởng xanh.

Nhóm thí sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) giới thiệu các sản phẩm từ ý tưởng dự án “Ứng dụng thực hành sinh học vào môi trường học đường” cho các thành viên Ban giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi.
Nhóm thí sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) giới thiệu các sản phẩm từ ý tưởng dự án “Ứng dụng thực hành sinh học vào môi trường học đường” cho các thành viên Ban giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi.

Sáng tạo vượt khuôn khổ trường học

Hướng tới tận dụng tối đa nguồn năng lượng từ đại dương và được Ban Giám khảo đánh giá cao, đó là ý tưởng dự án “Công nghệ thu năng lượng thủy đại dương” của các em Đào Ngọc Thạch, Lê Đức Thắng, Đồng Võ Minh Hân, HS Trường THPT Vũng Tàu. Chia sẻ về ý tưởng dự án của nhóm, Đức Thắng cho biết, trong đại dương có những nguồn năng lượng như: dòng chảy của nước, sóng, gió… và con người chỉ khai thác nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu từ gió, mặt trời. Việc tạo ra những thiết bị thu năng lượng đại dương với công suất lớn tích hợp 3 nguồn năng lượng nói trên sẽ tạo ra nguồn điện dồi dào, không chỉ cung cấp điện trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

Để hiện thực hóa ý tưởng này, 3 năm qua, các em Thắng, Hân và Thạch đã dùng nhiều thời gian nghiên cứu tạo ra 1 sản phẩm mô phỏng thiết bị thu năng lượng thủy đại dương. Theo đó, thiết bị này gồm: 1 quạt gió, 2 phao nổi trên mặt nước; dưới nước là 1 bánh đà, 2 cánh quạt, mô bin chủ và vòng bảo vệ. Cánh quạt thu năng lượng gió truyền xuống hợp lực với nguồn năng lượng từ dòng chảy của nước làm chuyển động bánh đà tạo ra nguồn điện.

Với sự sáng tạo của mình, dự án “Công nghệ thu năng lượng thủy đại dương” xuất sắc giành được giải Nhất của cuộc thi. “Nhóm đã thống nhất chọn nguồn năng lượng thuỷ lực đại dương, đó là nguồn năng lượng sạch và là một trong những xu thế của thế giới trong việc tạo ra kinh tế tăng trưởng xanh. Đặc biệt, với lợi thế về biển của địa phương nên việc tận dụng các yếu tố sóng-gió-dòng chảy từ nước biển để hiện thực hóa ý tưởng dự án sẽ có thể thực hiện được trong tương lai. Em và các bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án”, Đức Thắng bộc bạch.

Một trong những ý tưởng cũng mang tính sáng tạo cao trong việc bảo vệ môi trường, đó là “Ứng dụng thực hành sinh học vào môi trường học đường” của nhóm các em: Hoàng Bùi Mỹ Duyên, Nguyễn Trần Bảo Ngân và Nguyễn Thị Trinh, HS Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức). Đại diện nhóm, Mỹ Duyên cho biết, trong trường học và môi trường xung quanh, vỏ chai nhựa dùng 1 lần xuất hiện gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Từ thực tế đó, CLB “Green future” nhằm tuyên truyền và thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường đã được nhóm thành lập tại trường, thu hút hơn 20 thành viên tham gia. Nhiệm vụ của mỗi thành viên là thu gom các chai nhựa, rác thải từ vỏ bánh snack, bao nilon để tái chế thành chậu trồng cây. Vận dụng kiến thức từ môn Sinh học, các em ứng dụng trồng và chăm sóc rau cải mầm, cải bẹ xanh, cải ngọt, hoa mười giờ….vào các chậu cây được tái chế. Đến thời gian thu hoạch, rau hoặc chậu cây được nhóm bán cho bạn bè, giáo viên, phụ huynh với giá 10 ngàn đồng/bó rau; 20 ngàn đồng/chậu cây để gây quỹ ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Còn ý tưởng dự án “Ống hút làm từ bơ” của nhóm: Vũ Nhật Thành, Mai Trần Anh Thư và Đỗ Nguyễn Thành Hiếu, HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi. Anh Thư chia sẻ, từ những ảnh hưởng của ống hút nhựa đến môi trường, trên thị trường đã có nhiều loại ống hút được thay thế như: ống hút làm bằng tre, cỏ bàng… nhóm đã nghiên cứu tận dụng tinh bột từ hạt trái bơ trộn với bột gạo hoặc dùng bơ thực vật trộn với sáp ong làm thành loại ống hút mới thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng và có thể ăn được. Đặc biệt, mỗi chiếc ống hút làm từ bơ có giá thành chỉ từ 432-500 đồng/cái.

Đồng hành làm bệ phóng cho thanh niên

Các ý tưởng dự án kể trên là 3 trong số 9 ý tưởng dự án xuất sắc tham gia vòng chung kết và đoạt giải cuộc thi. Ông Trần Thái Sơn, Giám đốc Công ty Hiệp lực và Phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thành viên Ban Giám khảo đánh giá, năm 2023, các sản phẩm dự thi có đều có tính sáng tạo, có thể ứng dụng vào thực tế cao và tập trung vào mục đích chung là hướng tới việc bảo vệ môi trường xanh, sạch trong tương lai.

“Sau cuộc thi, các ý tưởng, dự án đạt giải tại vòng chung kết được Ban Tổ chức hỗ trợ kinh phí để tái tạo sản phẩm đem trưng bày tại trường học hoặc địa phương để tiếp tục phát triển, hiện thực hóa, lưu lại chất xám của các em, làm bàn đạp nỗ lực cho những thế hệ tiếp theo. Hội LHTN Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, gửi các ý tưởng dự án tới các sở ngành liên quan để đồng hành triển khai giải pháp chung tay bảo vệ môi trường”, anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết.

“Các ý tưởng dự án đưa ra phù hợp với lứa tuổi của thí sinh. Các ý tưởng dự án chỉ quanh quẩn từ thực tế trong khuôn viên trường hoặc nơi sống, nhưng điều đó chứng tỏ các em tự làm ra, tự suy nghĩ và bỏ thời gian, công sức để hiện thực nó chứ không coppy hay vay mượn từ ai cả. Theo tôi, đó chính là thành công lớn nhất mà cuộc thi đã làm được. Từ bước đệm này, các em sẽ nghiêm túc hoàn thiện, tạo đà để có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo lớn hơn, có ý nghĩa hơn”, ông Trần Thái Sơn nhận định.

Cuộc thi khép lại với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 6 giải Khuyến khích được trao cho thí sinh/nhóm thí sinh xuất sắc. Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh nhận định, năm nay, các ý tưởng dự án được thí sinh đầu tư nhiều hơn về mặt khoa học công nghệ; các mô hình trực quan đều được đầu tư khéo léo, chỉn chu.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

.
.
.