.
NGÀY "VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM" - 10/8

Điểm tựa của nạn nhân chất độc da cam

Cập nhật: 18:58, 09/08/2023 (GMT+7)

“Từ trái tim đến trái tim”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh đã và đang trở thành điểm tựa tinh thần và vật chất kết nối những tấm lòng nhân ái để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh tặng quà cho gia đình anh Lý Hùng Phi tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh tặng quà cho gia đình anh Lý Hùng Phi tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức.

Nỗi đau còn đó và “liều thuốc” của tình thương

Một buổi sáng đầu tháng 8, theo lời giới thiệu của cán bộ Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH huyện Châu Đức, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo vào xã Xà Bang, chúng tôi đến thăm nhà anh Lý Huỳnh Long (SN 1981). Long là anh trai ruột của 2 trường hợp đều là NNCĐDC, Lý Hùng Phi (SN 1991) và Lý Ngọc Hồng Chinh (SN 1985). Cha mẹ mất, anh Long là chỗ dựa của hai mảnh đời không lành lặn. Trước hoàn cảnh của gia đình anh Long, các cấp Hội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, kêu gọi các nhà hảo tâm và nguồn lực xã hội để giúp đỡ.

Anh Long hiện làm phụ hồ. Hàng tháng được nhận tiền hỗ trợ gần 3 triệu đồng để chăm sóc cho anh Phi và chị Chinh. Con trai của anh Long là bé Lý Hoàng Phụng (lớp 7, Trường THCS Xà Bang) cũng thường xuyên đỡ đần phụ ba chăm sóc cho cô chú.

Rót xong chén trà mời khách, ngồi trò chuyện nhưng anh Long không dấu nối những giọt nước mắt  khi nhìn hai người em bị thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp, ánh mắt vô hồn, miệng phát ra tiếng ú ớ. Anh Long nói trong nước mắt: “Đã hơn 7 năm nay thay ba mẹ chăm sóc hai em chỉ ngồi một chỗ, không biết gì. Mọi việc từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, đều do một tay tôi hỗ trợ. Thương lắm chứ, tôi vừa cảnh “gà trống nuôi con” vừa chăm sóc hai em, nhiều lúc thấy quá khó khăn. Được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần cũng an ủi tôi phần nào”.

Bà Phạm Tuyết Sương ngụ tại TP.Vũng Tàu cũng là một trong số nhiều trường hợp NNCĐDC nhận được sự hỗ trợ, động viên thường xuyên từ Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh. Bà Sương năm nay đã 62 tuổi, vừa là NNCĐDC vừa bị tai biến nặng. Không làm được việc gì ngoài nhờ thu nhập của người chồng làm việc tự do là ông Nguyễn Minh Hoàng cũng đã 63 tuổi. Để có chi phí điều trị bệnh, nên gia đình bà Sương phải bán nhà từ năm 2011. Từ đó tới nay, gia đình bà Sương ở thuê trong căn phòng 15m2 với giá thuê 1 triệu đồng/ tháng.

Bà Sương nói: “Vẫn biết là khó khăn muôn phần nhưng các cấp chính quyền, nhất là Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh và TP.Vũng Tàu thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà... tôi cảm thấy được chia sớt một phần gánh nặng từ cuộc sống, phấn khởi hơn và rất biết ơn Hội”.

Toàn tỉnh hiện có 3.639 đối tượng là nạn nhân NNCĐDC. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh hội đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho 3 ca mổ tim dưới 10 tuổi. Khám sàng lọc cho 250 cháu lập hồ sơ mổ tim chi phí tặng quà cho các cháu dự khám gần 18 triệu đồng. Hỗ trợ điều trị 493 bệnh nhân nghèo với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Thăm hỏi và  tặng 11.207 suất quà vào các các dịp lễ, Tết trị giá khoảng 6 tỷ đồng...

Vạn tấm lòng sẻ chia

Trên hành trình xoa dịu nỗi đau da cam, các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH luôn có được những người bạn đồng hành nhiệt tâm là các DN, nhà hảo tâm luôn giang rộng vòng tay yêu thương, hỗ trợ cho NNCĐDC.

Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trong dịp này Hội Doanh nhân trẻ đã phối hợp với Tỉnh hội tổ chức trao 100 triệu đồng cho 50 NNCĐDC trên địa bàn  tỉnh. Mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. Từ những suất quà nhỏ được trao đến các gia đình, Hội chỉ mong sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau để tiếp thêm động lực cho các nạn nhân và gia đình có thêm nghị lực”.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh cho biết: “Chúng tôi đặt công tác vận động nguồn quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân lên hàng đầu. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các DN, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ NNCĐDC, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Dù biết không thể nào khỏa lấp hết những đau thương, thiệt thòi mà nạn nhân và gia đình các nạn nhân phải gánh chịu, nhưng những hoạt động chăm lo, giúp đỡ của toàn xã hội sẽ là “liều thuốc tinh thần” để họ vượt qua nỗi đau của chính mình, vươn lên trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN

.
.
.