.

Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 19:26, 08/08/2023 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh chưa nhận biết được các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng (TCM) để đưa trẻ đi khám kịp thời. Điều này có thể khiến bệnh trở nặng, gây biến chứng khó lường.

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.
Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Bé V.N.A.T. (26 tháng tuổi, ngụ phường 12, TP.Vũng Tàu) sốt cao gần 390C, ho, nôn ói liên tục. Mẹ bé, chị Nguyễn Huỳnh Như tự mua thuốc bên ngoài về cho con uống với hy vọng bé sẽ hạ sốt và đỡ bệnh. Thế nhưng, sau 4 ngày sử dụng thuốc, tình trạng bệnh của bé không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn.

Lúc này, chị mới đưa con vào Bệnh viện Vũng Tàu khám, được bác sĩ chẩn đoán con bị bệnh TCM mức độ 2b (có dấu hiệu bệnh trở nặng). Bác sĩ chỉ định bé T. phải nhập viện điều trị và nằm trong nhóm bệnh nhi được theo dõi chặt. “Do chưa biết nhiều về bệnh TCM, khi con sốt, tôi tưởng bé mọc răng nên mới vào viện trễ”, chị Như lo lắng nói.

Tương tự, bé N.T.M.K. (3 tháng tuổi, ngụ phường Tân Phước, TX.Phú Mỹ) có nhiều dấu hiệu điển hình của bệnh TCM như: sốt cao, giật mình, nổi bóng nước ở tay và chân… nhưng cha mẹ lại không biết. Con bệnh đến ngày thứ 3, người nhà mới đưa vào Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) khám. Khi bác sĩ thông báo con mắc bệnh TCM, cha mẹ bé khá bất ngờ vì con còn quá nhỏ, chưa tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài.

Anh N.M.D., cha của bé K. nói: “Bác sĩ bảo con mới sinh được vài tháng đã mắc bệnh TCM dễ gây nguy hiểm. Bác sĩ còn nói qua ngày thứ 5 của bệnh mới qua giai đoạn nguy hiểm, càng làm tôi lo lắng hơn”.

Theo bác sĩ Lê Văn Phúc, Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu), phụ huynh nếu không nhận biết trẻ bị TCM để đưa con vào viện sớm thì sẽ không được chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời. Trẻ có thể chuyển biến vào mức độ nặng như 2b, 3.4. Nếu không được xử trí kịp, người bệnh có thể tử vong. “Một bệnh nhi có thể mắc TCM nhiều lần, do bệnh này có nhiều chủng vi rút gây ra. Vì vậy, phụ huynh không được chủ quan khi con em đã từng nhiễm bệnh rồi”, bác sĩ Phúc lưu ý.

Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì thế, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi, rửa tay cho trẻ bằng xà bông. Khi trẻ sốt cao đột ngột cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn theo dõi và can thiệp điều trị kịp thời.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa

 

Cần nhận biết bệnh khi trở nặng

Bệnh TCM do các loại vi rút đường tiêu hóa gây ra, chủ yếu là vi rút Coxsackie A16, Enterovirus 71. Bệnh TCM có biến chứng nguy hiểm, gây viêm màng não, viêm não hoặc tổn thương cơ tim. Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh TCM có 4 cấp độ. Độ 1, trẻ chỉ có loét miệng hoặc tổn thương da. Cấp độ 2a, trẻ có một trong các dấu hiệu như: có giật mình dưới 2 lần trong vòng 30 phút và không ghi nhận lúc khám; sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 390C, nôn nhiều, lừ đừ, quấy khóc vô cớ. Từ cấp độ 2b, độ 3, độ 4, trẻ có biểu hiện biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng dần.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, ở giai đoạn đầu, trẻ mắc tay chân miệng thường có các dấu hiệu như: sốt, đau họng, kém ăn, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng. Những dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, bệnh này có những điểm khác biệt, phụ huynh có thể nghi ngờ trẻ mắc bệnh TCM để đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Từ đầu năm đến ngày 6/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.525 ca TCM (1 ca tử vong), trong số này gần 2/3 ca bệnh điều trị ngoại trú. Số ca bệnh TCM tăng nhanh từ đầu tháng 6 trở lại đây. Thời điểm này bệnh TCM vẫn gia tăng ở các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam.

Phụ huynh cần chú ý, trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, nếu có biểu hiện sốt cao không hạ, kèm theo nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, hoặc loét miệng, chảy nước miếng, ăn uống khó khăn là dấu hiệu của bệnh TCM. Hơn nữa, TCM là bệnh thường gặp, có thể điều trị tại nhà, nhưng bệnh cũng rất dễ gây biến chứng nguy hiểm và trở nặng rất nhanh chỉ sau vài giờ. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu diễn tiến nặng của bệnh rất cần thiết.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, những trường hợp diễn tiến nặng thường có biểu hiện phải chú ý như: bệnh nhi không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, khó ngủ, giật mình tay chân chới với. Phụ huynh cần phải đưa con đi khám sớm, để xử lý kịp thời. Nếu để muộn hơn, trẻ rơi vào giai đoạn suy hô hấp, thở bất thường và thở nhanh thì bệnh đã rất nặng. Bệnh nhi mắc TCM ở độ 3 và 4 nếu đưa vào viện trễ, khả năng cứu sống rất thấp.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
.
.
.