Mộng du là hiện tượng xảy ra khi một người đang ngủ bỗng nhiên ngồi dậy hoặc đi loanh quanh trong nhà, thậm chí có người leo lên hàng rào, ra đường…, mặc dù vẫn đang ngủ! Mộng du có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 7 tuổi. Cá biệt có trẻ mới biết đi cũng mắc phải chứng mộng du.
Hình ảnh thực hiện bằng máy quay phim tốc độ cao cho thấy người mộng du ngồi dậy trong giấc ngủ. |
Cho đến nay, không ít người vẫn tin rằng mộng du là do “ông nhập”, “bà nhập”, “ma ám”, dẫn đến điều trị bằng cách cúng bái, đeo bùa, cho người bệnh uống nước tàn nhang hoặc “ngậm ngải” để “trục vong” thay vì tìm đến chuyên khoa tâm thần kinh ở các bệnh viện.
Các biểu hiện của mộng du
Mộng du thường xuất hiện khoảng 1 hoặc 2 tiếng sau khi ngủ, trong giai đoạn của giấc ngủ sâu (NREM) biểu hiện bằng những hành động từ đơn giản đến phức tạp, chẳng hạn như trên giường bước xuống sàn nhà rồi ngồi im hoặc đi loanh quanh, mở cửa và đứng yên tại chỗ hoặc đi ra ngoài, thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà, vào phòng tắm cởi hoặc mặc quần áo…
Cơn mộng du thường kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Nếu không bị đánh thức đột ngột, người bệnh sẽ trở lại giường và tiếp tục ngủ. Điều đặc biệt là người bị mộng du không bao giờ trả lời khi đang trong cơn mộng du cho dù thân nhân có gọi, hỏi.
Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về những chuyện đã xảy ra. Mộng du có thể xuất hiện hàng đêm nhưng cũng có thể vài tuần hoặc vài tháng mới bị một lần.
Nguyên nhân gây ra mộng du
Cho đến nay, y học sau nhiều khảo sát đã chứng minh rằng tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ bóng đêm, thần kinh căng thẳng, ngủ không giờ giấc nhất định, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng dị ứng, bàng quang đầy nước tiểu nhưng cố nín không đi tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng,… là những nguyên nhân có thể gây ra mộng du.
Ở trẻ nhỏ, mộng du còn liên quan đến chứng đái dầm do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện. Khi bàng quang trẻ đầy nước tiểu, tín hiệu thần kinh từ não bộ thúc dục trẻ phải đi tiểu nhưng lại không rõ ràng như ở người lớn nên trẻ dù đang ngủ mà vẫn ngồi dậy, bước xuống giường rồi đi không định hướng. Chỉ đến khi nước tiểu tự cháy ra, trẻ mới trở lại giường.
Ở người trưởng thành, tỉ lệ mắc bệnh mộng du ít hơn nhưng kéo dài và nghiêm trọng hơn. Họ có thể theo cầu thang lên các tầng cao hoặc nổ máy xe rồi lái đi và quay về rất đúng đường. Tuy nhiên, phản xạ của họ khi gặp xe chạy ngược chiều hoặc chạy sát bên cạnh lại không chính xác và nhạy bén như khi họ thức.
Điều trị mộng du
Như đã nói ở trên, mộng du không phải do “ông nhập, bà nhập” hay “ma ám” mà nó là bệnh lý thực thể về thần kinh. Vì vậy việc điều trị phải do bác sĩ chuyên khoa quyết định bằng các loại thuốc tùy vào tình trạng, nguyên nhân gây bệnh.
Nếu nhà có người bị mộng du, việc đầu tiên là phải giảm thiểu tối đa nguy cơ tự gây hại cho bản thân, nhất là với trẻ em bằng những biện pháp:
Để trẻ ngủ ở tầng trệt, đồ đạc trong phòng là những thứ khó di chuyển so với thể lực của trẻ. Đóng (cài chốt) cửa sổ và cửa chính nếu có người lớn ngủ chung phòng với trẻ. Nếu trẻ được cho ngủ riêng thì nên đặt hệ thống báo động bằng tia hồng ngoại ở cửa ra vào. Khi trẻ mở cửa, cảm biến hồng ngoại sẽ truyền tín hiệu đến chuông khiến chuông reo. Nó tương tự như hệ thống chống mất trộm ở xe máy, không tốn quá nhiều tiền.
Nếu phát hiện trẻ mộng du, không la hét, quát tháo hoặc tìm cách đánh thức trẻ. Hãy nhẹ nhàng đi bên cạnh trẻ, nắm tay khoặc khoác vai rồi từ từ dẫn trẻ vào nhà vệ sinh hoặc trở lại giường.
Nếu trẻ thường bị mộng du, nên theo dõi liên tục rồi ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó căn cứ vào ghi chép này, đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du và giữ cho trẻ thức khoảng 5 phút. Thực hiện việc này trong 1 tuần và nếu thấy có sự thuyên giảm, hãy làm tiếp 1 tuần nữa.
Với người lớn, mặc dù tỉ lệ mộng du thấp hơn nhiều so với trẻ em nhưng khả năng tự gây hại bản thân lại cao hơn vì họ có thể mở cửa, đi lên, xuống thang lầu, đi ra đường, leo lên mái nhà và thậm chí tự lái xe…, nên cũng như trẻ em, thân nhân trong gia đình khi phát hiện thì phải theo sát người đang lên cơn mộng du. Không lớn tiếng hoặc có những hành động mạnh như lôi, kéo về giường, không tìm cách đánh thức họ.
Và cũng như trẻ em, nên lập biểu đồ về thời gian mộng du để đánh thức họ trước khi cơn mộng du xuất hiện. Tìm một chuyện gì đó để hỏi ý kiến họ, kéo dài thời gian thức của họ từ 10 đến 15 phút. Những ngày tiếp theo, không nhắc gì đến chuyện họ bị mộng du hoặc kể cho họ nghe về những gì họ đã làm trong khi mộng du.
Lưu ý rằng mộng du có thể xuất phát từ các bệnh lý đã mắc phải. Vì thế nên khuyến khích người bị mộng du làm các xét nghiệm tầm soát bệnh tật để có thể điều trị từ căn nguyên, nguồn gốc…
Bác sĩ LÊ DUY
(Bệnh viện Tâm Trí, TP.HCM)