.

HĐND tỉnh giám sát việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng

Cập nhật: 17:08, 01/08/2023 (GMT+7)

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, sáng 1/8, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát thực tế khu thực hành của trường

Bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2019 đến năm 2022, tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 5.365 HS tham gia học nghề trình độ TC, CĐ. Từ năm 2018 đến năm 2022 đã có 1.844  HS học nghề trình độ trung cấp kết hợp học chương trình GDTX cấp THPT.

Năm 2023, tính đến ngày 25/7, nhà trường đã tiếp nhận được 1.114 HS đăng ký xét tuyển. Kết quả HS, SV có việc làm qua các năm đều đạt từ 90% trở lên…

Trong công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng, từ 2019 đến nay, trường đã tổ chức 30 đợt hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT với tổng số 119 buổi, với 16.780 HS và 2.762 phụ huynh tham gia; tổ chức 58 đợt tham quan, trải nghiệm tại trường với 114 buổi, 10.911 HS tham gia.

Dù là một trong 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao nhưng tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu học tập, thực hành.
Dù là một trong 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao nhưng tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu học tập, thực hành.

Theo bà Trương Huỳnh Như, nhà trường được tiếp cận các mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cũng từng bước đi vào chiều sâu, có hiệu quả.

Ngoài ra, nhận thức phụ huynh về giáo dục nghề nghiệp của phụ huynh có nhiều chuyển biến tích cực, chính sách phân luồng hướng nghiệp của tỉnh được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác tuyển sinh.

Bà Như cũng nêu lên một số khó khăn trong công tác đào tạo nghề, thực hiện phân luồng hướng nghiệp. Đơn cử như cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, thực hành; khu ký túc xá không đáp ứng được nhu cầu ở nội trú của HS,SV; chi phí học liên thông từ TC lên CĐ quá cao nên HS không mặn mà…

Nhà trường đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn trường CĐ chất lượng cao giai đoạn 2021-2025; phân bổ chỉ tiêu và đặt hàng đào tạo liên thông từ TC lên CĐ để giảm chi phí cho HS có nguyện vọng học liên thông, góp phần thu hút HS tốt nghiệp THCS vào học nghề.

Tin, ảnh: KHÁNH CHI

 

 

.
.
.