Ghẻ - Dấu hiệu và cách chữa trị
Hỏi: Gia đình tôi có 4 người gồm vợ chồng và 2 cháu nhỏ. Khoảng 10 ngày trở lại đây vợ tôi xuất hiện những nốt đỏ trên da kẽ ngón tay, cổ tay, rất ngứa, sau đó lây cho cả nhà. Gia đình đã uống thuộc chống dị ứng nhưng chỉ bớt ngứa được vài tiếng. Xin bác sĩ cho biết đó là bệnh gì và chữa trị như thế nào?
(nguyenthi...@gmail.com)
Trả lời: Qua những gì anh mô tả, rất có thể anh chị và 2 cháu đã bị ghẻ. Đây là bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta, thường xuất hiện ở nơi dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt. Đường lây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc gần gũi với người bị ghẻ hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ.
Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết sớm và không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
Nguyên nhân và các dấu hiệu đặc trưng của bệnh ghẻ
Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis), chủ yếu là ghẻ cái vì ghẻ đực sẽ chết sau khi giao hợp.
Ghẻ cái có 4 đôi chân, kích thước khoảng 0.3 mm nên khó nhìn thấy bằng mắt thường. Ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của lớp da ngoài (thượng bì), đào hang về đêm, đẻ trứng ban ngày, mỗi lần đẻ 1 đến 5 trứng, sau 72 đến 96 giờ trứng nở thành ấu trùng và sau 5 hoặc 6 lần lột xác (khoảng 20 đến 25 ngày) ấu trùng trở thành con ghẻ trưởng thành rồi bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới. Đây chính là lúc người bị ghẻ ngứa nhất và khi gãi, con ghẻ sẽ dính vào quần áo, giường chiếu, chăn mền, lây cho người khác.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh ghẻ là trên bề mặt da xuất hiện những luống ghẻ và những mụn nước. Luống ghẻ là những đường hầm do ghẻ cái đào, hình cong ngoằn nghèo, dài từ 2 đến 3cm, có gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với màu da, ở đầu đường hầm có mụn nước khoảng 1 đến 2 mm đường kính. Đường hầm thường thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay, xung quanh eo lưng…
Với các mụn nước, lấy kim chích vào sẽ thấy màu xám hoặc đen, khều ra sẽ bắt được ghẻ bám trên đầu kim. Do phải gãi vì rất ngứa nên nếu nhiễm trùng, các mụn nước sẽ có mủ rồi thành sẹo, tạo nên hình ảnh được ví như "khảm xà cừ" trên da.
Điều trị bệnh ghẻ
Việc đầu tiên là ngăn chặn nguồn lây bằng cách không ngủ chung, không dùng chung chăn, mền, gối, không nắm tay, ôm ấp, cọ sát với người mắc bệnh ghẻ. Quần áo, chăn mền của người bị ghẻ sau khi giặt xong, ủi (là) khi nó vẫn còn ẩm. Do tiếp xúc với nhiệt độ cao từ bàn ủi, hơi ẩm trong quần áo khi nóng lên sẽ tiêu diệt cái ghẻ.
Tắm rửa hàng ngày bằng các loại xà bông trị ghẻ có bán tại các nhà thuốc Tây. Nếu nhiễm trùng nốt ghẻ thì nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị bằng những loại thuốc thích hợp.
Bác sĩ SƠN
(Phòng khám Da liễu bác sĩ Sơn, TP.HCM)