Ở vùng đất anh hùng

Thứ Năm, 20/07/2023, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Những ngày tháng 7, chúng tôi về lại vùng đất anh hùng-Hòa Long, Long Phước (TP.Bà Rịa). Dưới bóng cây, hiên nhà, các bậc cao niên ngồi nhắc chuyện xưa, nhớ về những ký ức khó quên trong kháng chiến.

Bà Ngô Thị Huỳnh, 82 tuổi (ấp Đông, xã Long Phước) xem lại tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng- liệt sĩ Trần Văn Sức.
Bà Ngô Thị Huỳnh, 82 tuổi (ấp Đông, xã Long Phước) xem lại tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng- liệt sĩ Trần Văn Sức.

Tất cả vì yêu quê hương, đất nước

Trước hiên nhà, cụ bà Ngô Thị Huỳnh (82 tuổi, ấp Đông, xã Long Phước) kể lại những ngày tháng gian truân, nguy hiểm nhưng đầy tự hào. 19 tuổi, bà Huỳnh kết hôn với ông Trần Văn Sức. Sau ngày cưới, cặp vợ chồng trẻ ở với nhau được 1 năm thì ông Sức tham gia kháng chiến. Đó là năm 1960, thời điểm miền Nam đang sục sôi trong phong trào Đồng Khởi. 

Ở nhà, bà Huỳnh vừa đi gặt, làm cỏ thuê nuôi con nhỏ vừa hoạt động kháng chiến. Bà làm nhiệm vụ liên lạc báo tin với quân giải phóng. Căn nhà của bà trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. “Những lúc hay tin địch càn quét, tôi lại dẫn đường đưa quân giải phóng ra địa đạo Long Phước ẩn nấp".

Sau thất bại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, từ năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ (1965-1969), đưa cục diện miền Nam bước vào giai đoạn vô cùng tàn khốc. "Năm 1966, trong một lần địch đi càn, căn nhà tôi đang ở bị địch san phẳng, buộc gia đình phải di tản về Long Đất. Tại đây, sau khi ổn định cuộc sống, tôi lại tiếp tục hoạt động”, bà Huỳnh nhớ lại.

Năm 1969 là ký ức đau buồn nhất với bà Ngô Thị Huỳnh vì nhận tin chồng hy sinh ở chiến trường Bà Rịa. “Vượt qua đau đớn với lòng căm phẫn giặc thù, tôi càng quyết tâm giúp sức cho phong trào giải phóng. Những năm đó, tôi không nhớ rõ đã bao phen đối mặt nguy hiểm, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng khó tin mình đã vượt qua được”, bà Huỳnh kể. Với những đóng góp cho cách mạng, bà Huỳnh được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất vào năm 2005.

Bà Huỳnh là nhân chứng sống, bao năm qua vẫn tiếp nối, lan tỏa câu chuyện hoạt động cách mạng đến các thế hệ trẻ. Vì vậy, đoàn viên thanh niên, cán bộ làm công tác thương binh-xã hội ở địa phương thường hay ghé nhà bà thăm hỏi, trò chuyện, động viên bà Huỳnh. Trong câu chuyện gặp gỡ, họ thường gọi bà với cái tên thân thương “Má Huỳnh nuôi giấu cán bộ cách mạng”.

Đến xã Hòa Long, chúng tôi gặp thương binh Nguyễn Văn Đừng (69 tuổi, tổ 3, ấp Tây) là một trong nhiều người hoạt động cách mạng ở địa phương. Gợi nhắc chuyện xưa, ông Đừng còn nhớ như in, năm 12 tuổi đã bắt đầu hoạt động cách mạng. Đằng sau vỏ bọc một thiếu niên chuyên lùa bò đi ăn cỏ khắp nơi, từ cánh đồng này qua cánh đồng khác ở Hòa Long, Long Phước là một người hoạt động cách mạng rất “cừ”. Ông Đừng làm nhiệm vụ quân báo cho bộ đội ta.

"Có lần tôi liên lạc với anh Đằng (Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Đằng) để báo tin mật. Cảm giác gặp anh thật tự hào. Anh Đằng là người nổi tiếng ở vùng đất Hòa Long. Nhà anh chung xóm, cách nhà tôi một ranh đất, uống chung một giếng nước. Tôi luôn tự hào về anh-một người yêu nước nồng nàn, đã tham gia hơn 300 trận đánh lớn nhỏ và lập nhiều chiến công vang dội”, ông Đừng kể.

Khi lớn lên, năm 1972, ông Đừng trực tiếp ra chiến trường. Ông cùng đồng đội ngày đêm xuyên rừng, băng đồng ở các chiến trường Châu Đức, Long Khánh, Bà Rịa cho đến ngày giải phóng quê hương vào tháng 4/1975.

Bà Huỳnh, ông Đừng, cùng biết bao người con ở Hòa Long, Long Phước trong suốt những năm kháng chiến luôn gan dạ, anh dũng, góp sức cùng làm nên nhiều chiến công. Ở địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hòa Long, Long Phước luôn phát huy truyền thống yêu nước, bám đất, giữ làng. Họ không ngại hy sinh gian khổ, bằng tay không, gậy tầm vông đã kiên cường chống giặc.

Thương binh Nguyễn Văn Đừng (phải) kể về một thời hoạt động cách mạng của mình.
Thương binh Nguyễn Văn Đừng (phải) kể về một thời hoạt động cách mạng của mình.

Thực hiện tốt chính sách "đền ơn đáp nghĩa"

Bà Nguyễn Thị Đức Mỹ, cán bộ phụ trách thương binh-xã hội, UBND xã Long Phước tự hào cho biết, Hòa Long và Long Phước ngày nay đã đổi thay, phát triển. Thành quả là nhờ sự công ơn của bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống và có cả sự đóng góp âm thầm mà vô cùng vĩ đại của những người mẹ, người vợ liệt sĩ, người dân hoạt động cách mạng.  

Riêng xã Long Phước có 4 Anh hùng LLVTND. Đến nay, chỉ còn Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu còn sống. Xã có 102 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 517 liệt sĩ; 130 thương, bệnh binh; 97 đối tượng hưu trí mất sức, 450 người hoạt động kháng chiến và người có công cách mạng.

Đến nay, xã Long Phước đã xây 84 căn nhà cho cha, mẹ, vợ, con liệt sĩ; sửa chữa 491 căn nhà cho các gia đình chính sách. Người có công trên địa bàn xã được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 năm nay, Trung ương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dành 1.483 phần quà cho người có công của xã Long Phước. Bên cạnh đó, xã tặng 130 phần quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách.

Xã Hòa Long quản lý 1.229 hồ sơ người có công, gồm Mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh-liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2023), ngoài các phần của Trung ương và tỉnh, TP.Bà Rịa tặng 117 phần quà (2 triệu đồng/phần) cho người có công trên địa bàn xã. Xã cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi và tặng 70 phần quà (từ 700.000 đồng-1 triệu đồng) cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

 
;
.