Hiểu đúng về tăng huyết áp

Thứ Sáu, 14/07/2023, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Tăng huyết áp (viết tắt là THA, hay còn gọi là cao huyết áp) là chữ dùng để chỉ áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao, dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như vỡ mạch máu não (tai biến mạch máu não, xuất huyết não), bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim…, khiến bệnh nhân có thể chết hoặc sống thực vật, hoặc liệt nửa người.

Kiểm tra huyết áp hàng ngày là cách tốt nhất để phát hiện bệnh THA.
Kiểm tra huyết áp hàng ngày là cách tốt nhất để phát hiện bệnh THA.

Ở nước ta, theo khảo sát của Hội Tim mạch Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc bệnh THA, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người THA.

Thế nào là THA?

Trong cơ thể con người, tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi các bộ phận. Khi tim co bóp để đẩy máu đi, áp lực của máu trong lòng mạch sẽ đạt đến mức lớn nhất, gọi là huyết áp tâm thu. Ở người bình thường, huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 90 đến 140 milimet thủy ngân (140 mmHg).

Sau khi tim đã bóp hết mức và chuẩn bị cho lần co bóp tiếp theo, áp lực máu trong lòng mạch sẽ giảm dần đến mức thấp nhất, gọi là huyết áp tâm trương. Ở người bình thường, huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 60 đến dưới 90mmHg.

Như vậy, một người khi kiểm tra huyết áp và có chỉ số 120/80 mmHg là bình thường. Nếu từ 130/85 mmHg trở lên là huyết áp bình thường nhưng có dấu hiệu cao, từ 140/90 mmHg trở lên là THA độ 1, từ 160/100 mmHg trở lên là THA độ 2 và từ 180/110 mmHg trở lên là THA độ 3…

Bên cạnh đó, còn có THA tâm thu đơn độc, nghĩa là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.

Cần lưu ý rằng các chỉ số này chỉ chính xác nếu đo liên tiếp trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần vào lúc mới ngủ dậy và lúc tối chuẩn bị đi ngủ. Trước khi đo, người được đo đã nằm yên ít nhất 10 hoặc 15 phút.

Nguyên nhân và biến chứng của THA

Hầu hết các trường hợp THA đều không rõ nguyên nhân nên được gọi là tăng huyết áp vô căn, nam giới bị nhiều hơn nữ giới. Số còn lại là hệ quả của các bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận, hẹp động mạch thận, tiểu đường, béo phì, ít vận động thân thể, hoặc do tác dụng phụ của thuốc ngừa thai, ma túy, rượu bia, thuốc lá.

THA còn xảy ra với phụ nữ mang thai, gọi là THA thai kỳ. Nó thường xuất hiện khi thai đã được 20 tuần tuổi mà nguyên nhân có thể do thiếu máu trầm trọng, nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng, đa thai, thai phụ trẻ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, có tiền sử cao huyết áp hoặc tiểu đường...

Hầu hết bệnh nhân bị THA đều không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào, một số ít chỉ thoáng qua như nhức đầu, nặng mặt, nặng gáy, đôi khi da mặt ửng đỏ nên dễ nhầm lẫn với một vài bệnh khác. Vì thế y học gọi THA là “kẻ giết người thầm lặng” vì khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng, các biến chứng tim mạch có thể đột ngột xuất hiện, lấy đi tính mạng bệnh nhân tức thì.

Phòng ngừa và điều trị THA

Một trong những việc đầu tiên để phòng ngừa THA là thay đổi lối sống bằng chế độ ăn uống, hạn chế ăn mặn (dưới 6 gam muối mỗi ngày, tương đương với 1 muỗng canh nước mắm hoặc 1 muỗng rưỡi nước tương), bỏ hẳn hoặc giảm thiểu tối đa việc uống bia, rượu, hút thuốc lá, giảm cân nếu béo phì, điều trị dứt điểm các bệnh thận, tuyến giáp, u tuyến thượng thận… Tập thể dục đều đặn, vừa sức, ít nhất là 15 phút mỗi ngày, thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp bằng máy đo tại nhà nếu có thể, nhất là với những người trên 50 tuổi.

Trong trường hợp phải điều trị bằng thuốc, tuyệt đối tuân thủ lời dặn của bác sĩ về liều lượng, giờ giấc uống thuốc vì có những bệnh nhân được bác sĩ phối hợp 2 loại thuốc khác nhau, nhất là với những loại thuốc uống vào chiều tối vì các khảo sát cho thấy hơn 70% tai biến do THA thường xuất hiện lúc mờ sáng. Khi ấy, người bệnh từ giường bước xuống, vào nhà vệ sinh chẳng hạn và do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột từ ấm sang lạnh, dẫn đến cơn THA kịch phát. Nếu lúc ấy người bệnh còn bị thêm chứng xơ vữa động mạch thì tai biến rất dễ xảy ra.

BS. NGUYỄN VĂN TUẤN
(Hội Tim mạch Việt Nam)

;
.