Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024: Thí sinh nhẹ nhõm sau môn Ngữ Văn
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Chiều 5/6, các thí sinh đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với môn thi đầu tiên: Ngữ văn. Đề thi được đánh giá là vừa sức, nội dung kiến thức trong chương trình ôn tập.
Thí sinh tại điểm thi THPT Vũng Tàu phấn khởi sau bài thi môn Ngữ Văn. |
Quan tâm tới tâm lý thí sinh
Sáng 5/6, tại 28 điểm thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn tỉnh, 15.425 thí sinh đã có mặt tại điểm thi để hoàn thành thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi.
Điểm thi THPT Nguyễn Khuyến (TP.Vũng Tàu) có số lượng thí sinh và phòng thi đạt mức kỷ lục, với 1.153 thí sinh, 47 phòng thi. Dù vậy, công tác tổ chức kỳ thi được bảo đảm chặt chẽ. Từ cổng trường, đội ngũ tình nguyện viên là cán bộ Đoàn và GV của trường đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực và dân phòng làm công tác phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn thí sinh vào khu vực thi.
Để động viên tinh thần thí sinh, các thành viên trong đội tình nguyện đã vẽ tranh, viết những lời nhắn nhủ dễ thương gửi đến các em: “Bước vào phòng thi tự tin, làm bài bình tĩnh! Chúc 2K8 thi tốt!”, “Phải thi tốt, đạt điểm cao, đậu vào Nguyễn Khuyến để ba mẹ tự hào…”.
Thầy Nguyễn Đức Trung, Trưởng điểm thi THPT Nguyễn Khuyến cho biết, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT Nguyễn Khuyến tăng khoảng 300 em so với kỳ tuyển sinh năm trước. Tại điểm thi, nhà trường bố trí 47 phòng thi, với 131 cán bộ, nhân viên làm công tác thi, trong đó có 115 cán bộ coi thi. Do số lượng thí sinh quá đông, nhà trường đã huy động 15 cán bộ Đoàn, 12 GV hỗ trợ phụ huynh, thí sinh dự thi.
Điểm thi THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Bà Rịa) có 695 thí sinh “cạnh tranh” cho 423 chỉ tiêu. Cô Võ Thị Ngọc Bích, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho điểm thi được đặc biệt chú trọng.
Cô Bích nói: “Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, chúng tôi quán triệt đến tất cả các cán bộ làm công tác thi tuân thủ nghiêm túc quy trình, quy định đề ra, bảo đảm không xảy ra sai sót trong kỳ thi. Đồng thời, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như công an để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong và ngoài điểm thi”.
Tình nguyện viên tại điểm thi THPT Vũng Tàu chúc mừng thí sinh hoàn thành môn thi đầu tiên. |
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tất cả các điểm thi trên địa bàn tỉnh được chu đáo, kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự phục vụ cho kỳ thi. Đây là kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các em HS. Do đó, không tránh khỏi việc các em bị áp lực, căng thẳng về tâm lý. Nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi là hướng dẫn, phổ biến quy chế cho thí sinh, chú trọng phòng ngừa vi phạm nhưng vẫn phải tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái để các em phát huy được hết năng lực bản thân. Đồng thời, trong thời gian kỳ thi diễn ra, lãnh đạo điểm thi, cán bộ làm công tác thi phải luôn bình tĩnh, kiểm soát được tình hình, khi gặp tình huống bất thường phải bám sát quy chế, xử lý mềm dẻo, linh hoạt, xin ý kiến cấp trên khi cần thiết.
Thí sinh vui vẻ
Buổi chiều, trời mưa lớn nhưng nhiều phụ huynh vẫn đội mưa chờ các thí sinh hoàn thành môn thi đầu tiên. Vừa rời khỏi khu vực thi của Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức), em Nguyễn Ngọc Lan Anh, HS Trường THCS Nguyễn Huệ vui vẻ khoe với ba đã hoàn thành tốt môn thi đầu tiên. Lan Anh chia sẻ: “Đề thi môn Ngữ Văn dễ hơn so với đề thi thử em từng làm. Em tâm đắc nhất với câu phân tích, cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của tác giả Viễn Phương. Em viết bài bằng kiến thức đã được học và tình cảm của bản thân em dành cho Bác Hồ”.
Phụ huynh tại điểm thi THPT Nguyễn Du đội mưa chờ thí sinh ra khỏi phòng thi. |
Là một trong những thí sinh đầu tiên bước ra khỏi khu vực thi tại Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu), em Nguyễn Hà Anh Đức, HS Trường THCS Huỳnh Khương Ninh hồ hởi: “Em thấy đề thi Ngữ Văn khá hay và vừa sức. Môn Văn không phải là thế mạnh của em nhưng em đã hoàn thành bài thi tốt hơn mong đợi!”. Anh Đức cho biết thêm, em rất thích câu Nghị luận xã hội. Đề bài yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc trao đi yêu thương trong cuộc sống. Anh Đức ước chừng mình đạt từ 7,5-8 điểm.
Em Bùi Ngọc Ngân Hà, lớp 9.5, Trường THCS Duy Tân (TP.Vũng Tàu) rời phòng thi với tâm trạng phấn chấn vì đã làm bài thi môn Ngữ Văn khá tốt. Ngân Hà cho rằng đề thi có những câu hỏi hay và ý nghĩa như câu 3 phần Đọc hiểu, câu 1 của phần Làm văn. Hai câu hỏi này cho phép thí sinh bày tỏ những cảm nhận, suy nghĩ lẫn hành động mà lứa tuổi HS có thể làm được để thể hiện sự trân trọng cuộc sống cũng như trao đi yêu thương trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo Ngân Hà, đề thi vẫn thử thách thí sinh ở câu 2 phần Đọc hiểu. Thí sinh không đọc kỹ đề bài sẽ dễ nhầm lẫn giữa biện pháp liệt kê và so sánh.
Còn theo em Phạm Phương Linh, HS Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu), em gặp khó khăn trong câu đầu của phần Đọc hiểu. Đoạn trích khiến thí sinh khó có thể xác định rõ phương thức biểu đạt chính là tự sự hay nghị luận.
Đề thi môn Ngữ văn bám sát ma trận do Sở GD-ĐT ban hành. Do được GV bộ môn ôn tập kỹ lưỡng nên HS đã làm quen với các dạng đề thi này. Đề thi có mức độ vừa phải, phù hợp với HS và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, câu 1 và 2 phần Đọc hiểu dễ khiến học sinh nhầm lẫn nếu như các em không nắm vững kiến thức, hoặc đọc không kỹ đề.
Đặc biệt, với đề thi này, câu nghị luận xã hội là những câu hỏi hay, có nhiều ý nghĩa, vừa gần gũi với HS, vừa có tính nhân văn, tính giáo dục cao. Với đề thi này, thí sinh có thể đạt từ 7 điểm trở lên. Những em học yếu đến trung bình cũng có khả năng đạt 5-6 điểm.
(Cô Phạm Hồng Thủy, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Trần Phú, TP.Vũng Tàu)
|
NHÓM PV GIÁO DỤC