.

Khi trẻ em lên tiếng

Cập nhật: 18:18, 12/06/2023 (GMT+7)

Nhiều vấn đề nóng được trẻ em quan tâm, đề cập tại kỳ họp Hội đồng Trẻ em lần thứ IV với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” và Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2023 do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức cuối tháng 5 vừa qua.

Hội đồng Trẻ em tỉnh tham gia điều hành Kỳ họp Hội đồng Trẻ em lần thứ IV và Diễn đàn
Hội đồng Trẻ em tỉnh tham gia điều hành Kỳ họp Hội đồng Trẻ em lần thứ IV và Diễn đàn "Lắng nghe trẻ em nói" năm 2023.

Quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, nguyện vọng của trẻ

Kỳ họp Hội đồng trẻ em lần thứ IV và Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2023 thu hút 300 HS đại diện cho hơn 200 ngàn HS, thiếu nhi của các trường TH, THCS trên toàn tỉnh. Kỳ họp diễn ra có sự đồng hành của Ban tham vấn, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đến trẻ em.

Chia sẻ tại kỳ họp, em Bùi Nguyễn Phương Linh (HS 5 Trường TH Quang Trung, TP.Vũng Tàu) cho biết, tại trường học, các vụ bạo lực về thể chất và tinh thần xảy ra thường xuất phát vì bạn không cho chép bài kiểm tra, cái mặt nhìn thấy ghét… Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tâm lý của người bị hại. “Em mong muốn tìm được một cách giải quyết hợp lý để hạn chế những trường hợp hiểu lầm không đáng có giữa các bạn”, Phương Linh nói.

Còn em Phan Lê Thanh Trà (HS Trường THCS Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) chia sẻ về việc nhiều bậc phụ huynh sợ con mình học thua sút bạn bè nên đã ép con mình học tập quá nhiều, khiến các bạn không có thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí không ít bậc cha mẹ thường nổi giận, đánh con khi biết con mình học kém. Bản thân Thanh Trà cũng đã từng chứng kiến nhiều bạn bị áp lực về điểm số phải dành toàn thời gian cho học tập, dẫn đến việc thiếu kỹ năng sống… “Em muốn gửi thông điệp đến các cô chú lãnh đạo và phụ huynh là cần quan tâm nhiều hơn đến tâm tư và nguyện vọng của con mình. Đặc biệt không đặt nặng các vấn đề về điểm số để chúng em thoải mái hơn trong học tập. Không nên áp đặt suy nghĩ của ba mẹ lên con cái để chúng em được thoải mái thực hiện ước mơ của bản thân”, Thanh Trà bày tỏ.

Tình trạng hút thuốc lá điện tử trong trường học cũng được các em đưa ra tại kỳ họp. Em Nguyễn Hồng Lam (HS lớp 7 Trường THCS Nguyễn Công Trứ, huyện Long Điền) cho biết, có một bạn học chung lớp nghiện hút thuốc lá điện tử từ năm học lớp 3. Em và các bạn đã nhiều lần khuyên bạn nên từ bỏ thuốc lá, nhưng bạn này không bỏ được. Hồng Lam tâm sự: “Nhiều bạn nghiện thuốc lá điện tử một phần do môi trường sống tác động. Các bạn chưa hiểu hết tác hại của thuốc lá điện tử. Em mong muốn lãnh đạo tỉnh, nhà trường có biện pháp tuyên truyền cụ thể hơn về tác hại của thuốc lá điện tử để bạn ý thức được và từ bỏ”.

Bên cạnh các vấn đề trên, một số vấn đề khác cũng được HS, thiếu nhi đưa ra như: bạo lực trong gia đình, trẻ thiếu không gian cá nhân, riêng tư trong gia đình; thiếu các sân chơi trong dịp hè.

Thanh thiếu nhi hào hứng tham gia Trại hè
Thanh thiếu nhi hào hứng tham gia Trại hè "Sẻ chia yêu thương- Ươm mầm cuộc sống" do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Hạn chế tối đa mọi nguy hiểm làm tổn thương các em

Về các nội dung liên quan đến bạo lực học đường, em Nguyễn Thị Thanh Mai (HS Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), Chủ tịch Hội đồng Trẻ em đưa ra phương án xử lý: Khi bản thân hoặc bạn bè của bạn bị bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạn cần trao đổi, báo cho GVCN, GV Tổng phụ trách Đội hoặc điện thoại đến đường dây nóng 111 để được hướng dẫn, bảo vệ. Hoặc các bạn cũng có thể hàn gắn lại các mối quan hệ bạn bè bằng cách ngồi lại nói chuyện ôn hòa với nhau. Cùng nhau thực hiện một chương trình thiện nguyện hay buổi lao động chung sẽ góp phần giúp các bạn hiểu nhau hơn và chữa lành những tổn thương trong lòng một cách hiệu quả.

Với những ý kiến về cha mẹ áp đặt ước mơ của bản thân lên con cái, bà Lê Phương Linh, Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp giáo dục Việt Wisdom chia sẻ, trong cuộc sống hiện đại, các bậc cha mẹ thường phải chịu nhiều áp lực về cuộc sống và công việc. Do đó, để bày tỏ mong muốn của bản thân và để ba mẹ hiểu con muốn gì, các con hãy có buổi nói chuyện với cha mẹ về chủ đề “Con muốn có” với thái độ thiện chí. 

“Các con muốn cha mẹ nghe, hiểu mình thì các con phải nói. Và con mong muốn thay đổi điều gì thì trình bày để mẹ biết. Quan trọng nhất là phải lắng nghe ba mẹ nói và không được nổi giận khi người lớn đang nói”, bà Lê Phương Linh đưa ra lời khuyên.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, từ những vấn đề trẻ em quan tâm, đưa ra tại kỳ họp và diễn đàn, Sở ghi nhận, cùng các em giải đáp và tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm ra giải pháp thích hợp nhằm bảo vệ, hạn chế tối đa mọi nguy hiểm làm tổn thương các em.

Theo anh Thôi Đại Việt, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, từ các kỳ họp Hội đồng Trẻ em và diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” được tổ chức, trẻ em có nơi để nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Đây cũng là công tác chăm lo những vấn đề chính đáng của trẻ em được tổ chức Đoàn phối hợp thực hiện để tìm hướng giải quyết, tạo điều kiện để trẻ em trong địa bàn toàn tỉnh phát triển toàn diện.

Hội đồng Trẻ em tỉnh gồm 47 thành viên; trong đó có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch. Mỗi năm tổ chức 2 Kỳ họp, 1 lớp tập huấn, 1 diễn đàn đối thoại giữa Hội đồng Trẻ em và HĐND tỉnh. Từ 20 ý kiến của trẻ em tại Kỳ họp Hội đồng Trẻ em lần thứ IV và Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”, Tỉnh Đoàn tổng hợp thành văn bản cụ thể trình HĐND tỉnh; tạo tiền đề cho các quyết sách tỉnh nhà đến các vấn đề trẻ em.


Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
.
.
.