Huyện Châu Đức: Lắng nghe, giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người dân
Nhờ tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân mà nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở đã được huyện Châu Đức tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Lãnh đạo UBND xã Bình Giã lắng nghe dân nói trong ngày thứ bảy. |
Với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền theo hướng phục vụ, hướng dẫn, vận động và thuyết phục, thời gian qua, huyện Châu Đức đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
Đặc biệt, từ tháng 10/2022, UBND huyện Châu Đức đã có văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn triển khai chương trình “Ngày thứ 7 lắng nghe dân nói”. Chương trình được tổ chức hằng tuần với sự tham gia đầy đủ của các Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn, ấp.
Ông Lê Đức Tấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đá Bạc cho biết, Đảng uỷ chỉ đạo UBND xã thông báo rộng rãi về thời gian, địa điểm tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại đến khu dân cư để người dân biết chuẩn bị kỹ nội dung, ý kiến và bố trí thời gian tham gia. Cấp ủy, chính quyền các xã cũng sẽ chuẩn bị về cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu liên quan, phân công cán bộ trả lời các lĩnh vực phụ trách; dành thời gian thích hợp kiểm tra thực địa theo ý kiến phản ánh của công dân.
“Chúng ta phải xuống địa bàn dân cư nắm bắt tâm tư nguyện vọng, rồi kịp thời chỉ đạo xử lý vấn đề ngay tại cơ sở”, ông Tấn chia sẻ.
Nhờ phương thức làm việc này, mà những vấn đề khó, liên quan đến quyền lợi của người dân được giải quyết thỏa đáng. Đơn cử như con đường số 93, nằm trên địa bàn giáp ranh giữa xã Đá Bạc và xã Long Phước (TP.Bà Rịa) là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do một số người dân chưa ý thức, thường xuyên xả rác bừa bãi. Sau chương trình đối thoại, lắng nghe dân nói, UBND xã Đá Bạc đã nhanh chóng triển khai dọn dẹp vệ sinh cũng như cắm biển cấm xả rác. Kịp thời giải quyết bức xúc của người dân khu vực này.
Hay như tuyến đường vào thôn Xuân Tân (xã Xuân Sơn), nhiều năm qua dù đã được trải nhựa, nhưng chưa được lắp đặt hệ thống cống thoát nước 2 bên đường. Vì vậy, mỗi khi vào mùa mưa, con đường thường bị ngập nước nặng, gây khó khăn cho người dân sinh sống trong khu vực. Sau khi nghe phản ánh của người dân thông qua chương trình “Ngày thứ 7 lắng nghe dân”, lãnh đạo xã Xuân Sơn đã xuống tận nơi kiểm tra thực địa và kiến nghị UBND huyện cho phép xã vận động nhân dân triển khai lắp đặt hệ thống mương thoát nước. Từ đó, tình trạng ô nhiễm trên tuyến đường vì rác thải đã chấm dứt.
Ông Trần Đại Diện, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết thêm, thông qua các hoạt động như: tiếp công dân định kỳ, đột xuất; thứ 7 lắng nghe dân nói… nhiều vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân đã được bà con trình bày. Từ vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ định hướng cây trồng, vật nuôi đến các hoạt động cấp căn cước công dân, thủ tục sang nhượng đất đai, tình hình tai nạn đuối nước đang gia tăng, các vụ việc tranh chấp nhỏ… cũng được trao đổi, hướng dẫn tận tình.
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, lắng nghe và xử lý hợp lý, thỏa đáng những vấn đề nhân dân bức xúc, kiến nghị tạo hiệu ứng tích cực. Nhờ đó, đã có sự tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, cũng như nhận được sự đồng thuận, tin tưởng và được người dân đánh giá cao. “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động lắng nghe dân và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dân. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG
Ngoài việc duy trì nghiêm túc công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất, thực hiện chương trình “thứ 7 lắng nghe dân nói”, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Châu Đức đã tổ chức 2 buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn với DN và cán bộ quản lý giáo dục, GV, HS trên địa bàn. Từ đó, lắng nghe, trao đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chính đáng của nhân dân, DN. |