Đề thi 2 tổ hợp môn vừa sức, bảo đảm tính phân hóa

Thứ Năm, 29/06/2023, 15:01 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 29/6, hơn 12 ngàn thí sinh trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) gồm các môn thi thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học và bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Thí sinh tự do tại điểm thi THPT Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) phấn khởi ra về sau khi hoàn thành bài thi.
Thí sinh tự do tại điểm thi THPT Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) phấn khởi ra về sau khi hoàn thành bài thi.

Theo nhận xét của phần lớn thí sinh, đề thi vừa sức và có tính phân hóa cao. Mức độ của đề thi năm nay tương đương với đề thi năm ngoái.

Ở đề thi tổ hợp KHXH, có sự phân hóa khá rõ, đặc biệt là ở môn Địa lý và Lịch sử. Đề thi tăng dần độ khó ở những câu cuối. Thí sinh phải vận dụng kiến thức lớp 11, 12 mới giải được trọn đề.

Em Mai Gia Huy, HS Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) bày tỏ: “Trong số 3 môn thi, đề thi môn Sử khó hơn, có một số câu hỏi khó và không nằm trong sách giáo khoa nên TS phải tìm tòi kiến thức thực tế từ bên ngoài. Vì thế, em chưa thực sự yên tâm về môn thi này. Ngược lại, em làm tốt 2 môn Địa và GDCD, bởi đề thi có nhiều câu hỏi dễ và có nội dung trọng tâm vào các phần mà em đã được ôn tập”.

Thí sinh Cao Thanh Ngân, Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) thì:  Em thi tổ hợp KHXH. Em thấy khó nhất là môn Sử. Bài thi gồm 40 câu, 30 câu đầu dễ làm, 10 câu sau khó”.

Thí sinh tại điểm thi THPT Vũng Tảu thảo luận sau khi kết thúc bài thi tổ hợp
Thí sinh tại điểm thi THPT Vũng Tảu thảo luận sau khi kết thúc bài thi tổ hợp

Em Nguyễn Ngọc Huỳnh Nhi, HS Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) cho biết, bài thi Khoa học Xã hội không quá khó, tương đương với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Ở cả 3 môn thi thành phần, các bài khó chỉ tập trung ở 10 câu cuối của đề. Theo Huỳnh Nhi, Địa lý là môn khó nhất trong 3 môn thành phần của bài thi tổ hợp. Có mộ số câu phân hóa thí sinh như câu hỏi về mục đích chủ yếu của việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng năm ở Bắc Trung Bộ, lý do chủ yếu khiến giá trị xuất khẩu của nước ta hiện nay thay đổi, hay lý do thời gian bắt đầu mùa mưa và mùa khô vùng Tây bắc Bộ khác với vùng bắc Trung Bộ…

Với bài thi Khoa học Xã hội, Nhi ước chừng mình đạt trên 8 điểm. Em dự định sử dụng kết quả hai môn Lịch sử và Địa lý để xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Thí sinh điểm thi THPT Võ Thị Sáu trao đổi đề thi với giáo viên sau khi thi xong
Thí sinh điểm thi THPT Võ Thị Sáu trao đổi đề thi với giáo viên sau khi thi xong

Còn đề thi tổ hợp KHTN, các môn đều bám sát ma trận đề của Bộ GD-ĐT. Đề thi phân hóa với khoảng 60-70% câu hỏi ở mức độ dễ, HS khá, trung bình có thể làm được; còn lại là câu hỏi khó, trong đó khó nhất là tập trung ở 10 câu cuối của đề thi.

TS Lương Kim Ngọc, Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) chia sẻ: “Em nghĩ đề thi tổ hợp KHTN có sự phân hóa cao nhưng TS vẫn dễ kiếm điểm ở những câu hỏi đầu ở phần kiến thức cơ bản. Còn những câu khó dành cho TS có nặng lực và muốn dùng điểm thi để xét tuyển vào các trường ĐH có điểm chuẩn cao”.

Chiều cùng ngày, các thí sinh thi môn ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.

Thí sinh điểm thi THPT Minh Đạm, huyện Long Điền trao đổi đề thi tổ hợp môn KHXH sau khi thi xong
Thí sinh điểm thi THPT Minh Đạm, huyện Long Điền trao đổi đề thi tổ hợp môn KHXH sau khi thi xong

Cô Hà Thị Diệu Thúy, GV bộ môn Địa lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh giá, nội dung các câu hỏi trong đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Chỉ có 2 câu thực hành sử dụng bảng số liệu và biểu đồ theo số liệu từ chương trình Địa lý lớp 11. Đề thi chủ yếu tập trung vào phần vùng và ngành kinh tế biển. Cấu trúc đề có tỷ lệ 52,5% lý thuyết và 47,5% thực hành. Đề thi có 75% câu hỏi ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, 25% ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. 

Điểm mới ở đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý năm nay là các câu hỏi sử dụng Atlat không ghi rõ số trang, đòi hỏi thí sinh phải sử dụng thành thạo, nắm chắc nội dung các trang trong Atlat Địa lý. 

Đề thi bám sát yêu cầu về nội dung, cấu trúc, cấp độ phân hóa vừa phải, bảo đảm mục tiêu xét tốt nghiệp THPT vừa đáp ứng yêu cầu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Các thí sinh có học lực trung bình có thể đạt là từ 6-7 điểm, HS giỏi đạt khoảng 8-9 điểm, còn việc đạt điểm 10 thì không dễ.

NHÓM PV GIÁO DỤC

 

;
.