Dấy lên nỗi lo về bệnh tay chân miệng

Thứ Tư, 14/06/2023, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 10 ngày qua, Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) liên tục tiếp nhận và điều trị các ca tay chân miệng ở mức độ nặng. Đây là những bệnh nhi nhỏ tuổi, có trường hợp nặng, bệnh diễn biến nhanh, phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho bé N.M.N.H..
Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho bé N.M.N.H..

Nhiều ca bệnh nặng

Mới đi học được 1 tuần ở trường mầm non, con gái của chị Đàm Thị Hồng Nhung (phường 10. TP.Vũng Tàu) là bé N.M.N.H., 20 tháng tuổi đã bị tay chân miệng. Chiều 12/6, sau khi thấy con sốt, tim đập nhanh, ăn ít, quấy khóc, hay giật mình, nổi mụn bóng nước ở lòng bàn tay, chị tức tốc đưa con vào Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám.

Bác sĩ chẩn đoán con chị Nhung bị bệnh tay chân miệng, mức độ 3, cần nhập viện điều trị. Bé N.M.N.H., sau đó được truyền thuốc IVIG nhằm ức chế vi rút và đặt máy đo huyết áp xâm lấn để theo dõi. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình trạng bệnh, bác sĩ BV Vũng Tàu đã cho ca bệnh chuyển lên TP.Hồ Chí Minh điều trị.

Trước đó mấy ngày, Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) cũng tiếp nhận 1 ca bệnh tay chân miệng với mức độ tương tự. Đó là bệnh nhi N.Đ.G.B., 18 tháng tuổi (ở phường 2, TP.Vũng Tàu). Trước khi nhập viện, bệnh nhi sốt cao liên tục trong 3 ngày. Tối 8/6, khi thấy con giật mình liên tục, gia đình  đưa bé B. vào bệnh viện. Bé N.Đ.G.B., được chẩn đoán mắc tay chân miệng mức độ 2B nên được truyền thuốc an thần và thuốc IVIG.

Sáng sớm hôm sau, bệnh có biểu hiện trở nặng khi mạch nhanh 170 lần/phút, thở nhanh và các loại thuốc điều trị đã không còn đáp ứng cho người bệnh. Vì thế, Khoa Nhi quyết định chuyển bé B. lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh điều trị.

Bác sĩ Lê Văn Phúc, Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) cho hay, từ đầu tháng 6 tới nay, khoa tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhi mắc tay chân miệng ở mức độ nặng. Trong đó, tối 12/6 khoa tiếp nhận thêm 1 trường hợp nặng, mức độ 3. Bệnh nhi này đáp ứng với thuốc nên đang nằm điều trị tại khoa. Cũng theo bác sĩ Phúc, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số ca mắc tay chân miệng ít hơn, song số ca nặng nhiều hơn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo bác sĩ, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, có thể gặp ở trẻ lớn hơn và cả trên người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do 2 nhóm tác nhân là vi rút Coxsackievirus A16 và EV71. Thời gian ủ bệnh kéo dài 3-6 ngày. Bệnh thường có các triệu chứng như: sốt, đau họng, chảy mũi, nổi mụn bóng nước ở miệng, ngón tay, lòng bàn tay, ngón chân, lòng bàn chân, mông. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, những nơi có sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch tay chân miệng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

Thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch trước khi sử dụng. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ bốc ăn, mút tay, ngậm đồ chơi. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy thông thường.

Ngoài ra, phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắt bệnh, người dân cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám nhằm được chẩn đoán chính xác, có hướng điều trị phù hợp, hạn chế làm bệnh trở nặng.

Bệnh tay chân miệng có thể gặp quanh năm và có thể bị tái nhiễm nhiều lần. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra vào mùa hè và đầu mùa thu. Hầu hết ca bệnh có diễn tiến nhẹ, song vẫn có nhiều trường hợp bệnh nặng, gây các biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng thường do vi rút EV71 gây ra. Trong đó có một số biến chứng điển hình như: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Mặc dù, bệnh tay chân miệng xảy ra thường xuyên nhưng đến nay vẫn chưa có  vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, cơ bản vẫn là điều trị triệu chứng. Do đó, dự phòng để không mắc bệnh là biện pháp hiệu quả nhất.


Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.