Thiết kế, gia cố nhà ở bít lối thoát hiểm: Cháy biết chạy đâu!
Những ngôi nhà được rào chắn kiên cố với lồng sắt quây kín hiện nay quá phổ biến. Khi xảy ra cháy, thiệt hại về người và tài sản là khó tránh.
Ban công của chung cư Vietube (phường 9, TP.Vũng Tàu) để thoát hiểm được người dân hàn kín bằng những song sắt kiên cố để phơi quần áo, trồng cây. |
Tự nhốt mình vào lồng sắt
Nhiều ngày trôi qua nhưng mỗi khi nhớ đến vụ cháy xảy ra tại quận Hà Đông (TP.Hà Nội) vào khoảng 7 giờ 45 phút sáng 13/5, khiến 4 người tử vong, gồm bà và 3 cháu nhỏ, ai nấy đều xót xa.
Ngôi nhà xảy ra cháy dạng ống, kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch. Toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm bên cạnh đều được chủ nhà rào chắn bằng sắt thép kiên cố, không có lối thoát hiểm. Việc quá chú trọng phòng trộm bằng cách gia cố tường rào, khung sắt mà bỏ qua lối thoát hiểm đã vô tình tạo ra một mối nguy tiềm ẩn.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, hầu hết các chung cư, nhà cao tầng và nhà dân có ban công thông thoáng theo thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, vì lý do an toàn một số người hàn sắt, thép kín mít phòng tránh tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ.
Tại các chung cư, thông thường, khi người dân có nhu cầu thiết kế khung rào chắn ban công, sẽ được yêu cầu chừa một lối thoát hiểm, bảo đảm có thể cứu hộ khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, điều này ít khi được chú ý. Đối với các căn hộ đơn lẻ, việc chừa lối thoát hiểm gần như bị bỏ qua.
Tại đường Hàn Thuyên, đường 30/4… (TP.Vũng Tàu), quan sát bằng mắt thường, có thể thấy rất rõ nhiều nhà dân rào chắn, bưng bít, không có bất cứ lối thoát hiểm nào. Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều khu dân cư khác.
Cần bố trí lối thoát nạn
Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh cho biết, thông thường, lồng sắt gia cố ban công phòng, chống trộm cắp được thi công với vật liệu chắc chắn, rất khó cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra.
“Khi xảy ra cháy, phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ lồng sắt để mở đường cứu nạn. Đó thực sự là tình thế ngàn cân treo sợi tóc”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi nói.
“Người dân không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở. Đồng thời chủ động trang bị bình chữa cháy, mặt nạ chống độc, bình oxy…Với những nhà xây mới, người dân cần bố trí lối thoát hiểm đủ kích thước. Các nhà liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi khuyến cáo.
Xảy ra cháy, chạy trốn vào nhà vệ sinh là sai lầm
Theo cơ quan công an, để thoát nạn an toàn khi xảy ra hỏa hoạn, trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.
Khi phát hiện đám cháy, người dân cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
Đặc biệt người dân tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để tránh đám cháy, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.
|
Bài, ảnh: PHƯỚC AN