.

Cựu chiến binh vươn lên từ tay trắng

Cập nhật: 18:57, 12/05/2023 (GMT+7)

Xuất ngũ cuối năm 1989, ông Nguyễn Văn Lánh (SN 1968, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) về quê lập nghiệp và xây dựng gia đình. Cuộc sống khó khăn, ông rời quê hương vào Côn Đảo lập nghiệp. Đến nay, người cựu chiến binh ấy đã có cơ ngơi đồ sộ, giải quyết việc làm cho cả trăm lao động.

CCB Nguyễn Văn Lánh (trái) cùng các công nhân ở một công trình xây dựng tại Côn Đảo.
CCB Nguyễn Văn Lánh (trái) cùng các công nhân ở một công trình xây dựng tại Côn Đảo.

Năm 1993, theo sự giới thiệu của một người quen, ông Lánh vào huyện Côn Đảo để tìm việc làm. Với bản chất cần cù của người nông dân, lại được rèn luyện trong môi trường quân đội không sợ gian khổ nên ông không nề hà bất cứ công việc gì từ phụ hồ, thợ xây đến vận chuyển vật liệu xây dựng.

Ở Côn Đảo được vài năm, ông Lánh nhận thấy huyện đang đầu tư nhiều công trình để phát triển kết cấu hạ tầng. Với tư duy nhìn xa trông rộng, ông Lánh dự đoán sau này nơi đây sẽ phát triển về du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái kết hợp nghỉ ngơi, an dưỡng. Vậy là ông về quê bàn bạc với gia đình và quyết định đưa vợ con vào Côn Đảo lập nghiệp.

Khi mới vào huyện đảo, vợ chồng ông mượn đất dựng tạm căn nhà cấp bốn. Hàng ngày, ông đi làm xây dựng, vợ buôn bán nhỏ. Sau đó, vợ chồng ông liên kết với một đơn vị quân đội trên địa bàn lập trang trại trên thửa đất do đơn vị này quản lý để nuôi dê, bò, heo, gà. Sau gần 9 năm, vợ chồng ông đã tích lũy được một số vốn, cũng là lúc đơn vị quân đội lấy lại đất để xây dựng trụ sở. Có vốn, vợ chồng ông quyết định mua đất, vợ ông mở quán bán hàng, còn ông tiếp tục với nghề xây dựng.

Vừa làm vừa tích lũy, năm 2012, vợ chồng ông mua được thửa đất rộng khoảng 1.000m2. Nhận thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng của huyện đảo ngày càng tăng, việc vận chuyển từ đất liền ra khiến chi phí cao, ông quyết định thành lập DN tư nhân sản xuất gạch không nung, làm nhôm kính và buôn bán vật liệu xây dựng...

Bắt trúng nhu cầu thị trường, xưởng sản xuất của vợ chồng ông dần trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trên đảo. Nhờ đó, quy mô cơ sở từng bước được mở rộng, thu nhập của gia đình ngày một tăng. Ban đầu, DN chỉ có hơn chục thợ, đến nay, ông Lánh đã có trong tay hơn 100 nhân công, thu nhập bình quân từ 12-18 triệu mỗi tháng.

Nhận định ngành du lịch Côn Đảo sẽ ngày càng phát triển, năm 2012, ông đã đầu tư xây Khách sạn Tuấn Ninh 1 và đưa vào khai thác năm 2014. Năm 2022, ông lại đưa vào hoạt động thêm Khách sạn Tuấn Ninh 2. Ngoài ra, ông còn đầu tư 2 cơ sở karaoke giải trí.

Tuy vậy, ông cũng nhiều lần đứng trước nguy cơ phá sản, phải chạy vạy khắp nơi để trả lương cho nhân viên. Gần đây nhất, đại dịch COVID-19 khiến các mảng kinh doanh của gia đình ông bị đình trệ.

“Tôi tự động viên mình kiên trì, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, kiên cường vượt qua gian khó. Tôi sắp xếp lại lao động, tái cơ cấu, bố trí nguồn vốn hợp lý để vững bước đi lên sau đại dịch”, ông Lánh nhớ lại. Đến nay, các mảng kinh doanh của gia đình ông dần trở về quỹ đạo ổn định, tạo thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, ông Lánh còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông được bà con ở khu dân cư số 7 tín nhiệm và được lãnh đạo khu dân cư cử làm công an viên. Năm 2009, ông Lánh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7.

Trong hơn 10 năm làm công an viên, Phó Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7 (2 nhiệm kỳ), ông Lánh không nhận lương theo chế độ và rất tích cực đóng góp cho các phong trào khuyến học, khuyến tài, quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai…

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Côn Đảo nhận xét: “Ông Lánh là tấm gương tiêu biểu của cựu chiến binh Côn Đảo vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ông có nhiều đóng góp cho phong trào CCB nói chung và các phong trào do MTTQ huyện Côn Đảo phát động. Ghi nhận những đóng góp của ông Lánh, các đoàn thể như Hội CCB, MTTQ, UBND huyện đã nhiều lần tặng giấy khen”.

Bài, ảnh: NGUYỄN VIẾT HIỆN

 
.
.
.