.

Chiến lược đạt điểm cao thi đánh giá năng lực

Cập nhật: 19:55, 08/05/2023 (GMT+7)

Ngày 28/5 tới đây, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực. Theo chia sẻ của thủ khoa đợt 1 kỳ thi và các chuyên gia, để đạt điểm cao, thí sinh cần có chiến lược ôn tập và làm bài.

Hoàng Đình Trực dự kiến sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 để xét tuyển  vào Trường ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.
Hoàng Đình Trực dự kiến sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 để xét tuyển vào Trường ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.

Chú trọng kiến thức căn bản

Trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa qua, thủ khoa của tỉnh là em Hoàng Đình Trực (HS lớp 12 chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) với điểm số 1.005/1.200 điểm. Trong đó, phần tiếng Việt, Trực đạt 173 điểm, tiếng Anh: 189 điểm, Toán-logic-phân tích số liệu: 260 điểm, Khoa học tự nhiên: 230 điểm, Khoa học xã hội: 153 điểm. Hoàng Đình Trực là một “gương mặt thân quen”, bởi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cách đây 3 năm, em là “thủ khoa kép” của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với điểm số 45,25 điểm.

Hoàng Đình Trực chia sẻ, đề thi đánh giá năng lực đợt 1 tương đối vừa sức. Trừ những câu hỏi phân tích số liệu, các câu còn lại trong đề hầu hết là những kiến thức trải dài suốt trong chương trình THPT. Bên cạnh đó, cũng có một số rất ít câu liên quan đến các bài đọc trong chương trình lớp 9. Theo Trực, nội dung khiến em cảm thấy thú vị nhất là Toán-logic-phân tích số liệu. Bởi phần này đặt ra yêu cầu thú vị, hướng tới đánh giá tư duy của thí sinh chứ không phải là kiến thức “học thuộc lòng” hay “học tủ”.

Chàng thủ khoa “bật mí”, bí quyết giành điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực là dành thời gian cho tất cả các môn học. “Có một thực tế là nhiều bạn chỉ tập trung học các môn theo khối để xét tuyển ĐH. Thế nhưng, đề thi đánh giá năng lực không giống với đề thi tốt nghiệp THPT. Để chinh phục được đề đánh giá năng lực, cần nắm chắc kiến thức cơ bản của các môn học và biết cách vận dụng những kiến thức ấy. Muốn làm được điều này, theo em, cần có quá trình tích lũy kiến thức, học đều tất cả các môn trong chương trình phổ thông”, Trực nói.

Với tất cả các môn học, Trực đều chú ý lắng nghe, ghi chép khi thầy cô giảng bài, để ghi nhớ kiến thức ngay sau khi học. Về nhà, em chịu khó làm bài tập ngay trong ngày. Đồng thời, Trực còn tìm hiểu thêm kiến thức, bài tập trong sách tham khảo, mạng Internet. Với những vấn đề chưa hiểu rõ, em trao đổi thêm với thầy cô, bạn bè để có thể hiểu được cặn kẽ, từ đó vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn.

Mục đích của kỳ thi không phải là kiểm tra kiến thức mà là đánh giá năng lực xử lý vấn đề của thí sinh. Đề thi cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu sẵn, không yêu cầu HS phải ghi nhớ. Thí sinh không nên sa đà vào việc ôn kiến thức. Các em nên rèn kỹ năng phân tích, ứng dụng, tổng hợp. Những thí sinh có phương pháp học tập khoa học, hệ thống, học để hiểu bản chất của vấn đề sẽ dễ đạt điểm cao.
TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí 
và Đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

 

Phân phối thời gian làm bài hợp lý

Hoàng Đình Trực cho hay, việc phân bổ thời gian làm bài hợp lý cũng là một yếu tố quyết định kết quả bài làm. Trực không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi nào mà tập trung làm chính xác các câu trong khả năng của mình rồi mới giải quyết tới các câu khó hơn. Sau khi hoàn thành bài thi, em rà soát kết quả lại một cách kỹ càng.

Theo TS. Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, kinh nghiệm cho thấy, thí sinh có kỹ thuật làm bài thi phù hợp sẽ góp phần giúp nâng cao kết quả. Thí sinh cần biết phân phối thời gian hợp lý cho các câu hỏi, cần có kỹ năng đọc nhanh để nắm ý tổng quát, đồng thời có kỹ năng nhận định phân tích sâu để trả lời các chi tiết. Việc phân chia thời gian giúp thí sinh biết lúc nào cần bỏ qua câu hỏi, lúc nào cần “chạy nước rút” cho kịp những phần sau. Tuy nhiên, thí sinh cũng nên cố gắng rút ngắn thời gian cho các câu hỏi để dành thời gian kiểm tra lại đáp án trước khi nộp bài. Đặc biệt là cố gắng làm hết các câu hỏi và không để trống đáp án câu nào.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, thời điểm này, thí sinh nên hệ thống hóa lại kiến thức lớp: 10, 11, 12, có sự kết nối giữa kiến thức các lớp và hiểu về khái niệm, bản chất, ứng dụng nâng cao của những kiến thức đó. Cách ôn luyện tốt nhất là đọc thật kỹ bài học, trao đổi với bạn bè và tìm hiểu về những ứng dụng từ kiến thức được học. Ngoài ra, thí sinh cần giữ tâm lý thoải mái trước ngày thi để thể hiện tốt nhất năng lực của bản thân. Cùng với đó là việc chuẩn bị sẵn sàng những giấy tờ tùy thân quan trọng, không để tâm lý bị ảnh hưởng trước khi thi do quên, mất mát giấy tờ. TS.Chính cho hay, đây là kinh nghiệm mà những thí sinh đạt điểm số cao trong kỳ thi đánh giá năng lực các năm qua chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 
.
.
.