Hiệu quả phương châm"4 tại chỗ"
Công tác phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Trong đó, phương châm “4 tại chỗ” đã được triển khai rộng rãi và hiệu quả, bảo đảm chủ động PCTT, hướng tới cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Mưa lớn gây sạt lở ở đường Trần Phú (TP.Vũng Tàu) trong năm 2022. |
Thời tiết diễn biến phức tạp
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 5 đợt mưa vừa và mưa to, kèm theo lốc xoáy, đợt mưa lớn nhất lượng mưa đo được lên tới gần 400 mm. Đơn cử như trận mưa lớn ngày 27/5/2022, riêng khu vực xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) lượng mưa đo được là 129,4 mm, còn tại xã Phước Hội (Đất Đỏ) lượng mưa đo được lên tới 397mm. Trận mưa đã làm ngập lụt và thiệt hại 33ha lúa ở huyện Xuyên Mộc và huyện Long Điền.
Trong thời gian từ ngày 18 đến 20/10/2022, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều trận mưa lớn, gây sạt lở, ngập úng cục bộ một số nơi trũng thấp và làm thiệt hại hàng trăm ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, TP. Vũng Tàu có 9 điểm sạt lở ở triền Núi Lớn và 36 điểm ngập úng cục bộ. Huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Long Điền thiệt hại gần 247 ha diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, nhờ chủ động ứng phó, trong năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã không để xảy ra thiệt hại về người trong các đợt mưa to gây sạt lở, tốc mái nói trên. Đồng thời, tỉnh đã huy động lực lượng để khắc phục hệ thống hạ tầng cơ sở, đảm bảo tiếp cận giao thông, điện, thông tin liên lạc, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Đặc biệt, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCTT.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, “4 tại chỗ” là phương châm phòng chống thiên tai đã được Ban chỉ huy PCTT, TKCN tỉnh thực hiện trên địa bàn trong thời gian qua. Cụ thể, theo kế hoạch PCTT, TKCN hàng năm của UBND tỉnh, UBND các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch PCTT theo địa bàn mình quản lý. Trong đó, tổ chức rà soát, cập nhật hoàn chỉnh phương án PCTT, chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm dự phòng theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, gia cố hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn, tăng cường kết nối các tuyến đường giao thông liên thôn để tránh tình trạng bị cô lập, khi có mưa bão xảy ra để có thể tiếp cận tốt khi cứu hộ, cứu nạn. Đảm bảo nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống cho nhân dân.
Sẵn sàng ứng phó
Trên địa bàn tỉnh, vào mùa mưa bão, các địa phương như: TP. Vũng Tàu, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ, huyện Long Điền đối diện nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lụt... Để giảm tổn thất, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Hiện trên địa bàn tỉnh có 47 xã đạt tiêu chí bảo đảm yêu cầu chủ động trong PCTT theo phương án 4 tại chỗ, đạt tỷ lệ 100%.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 15 xã đảm bảo yêu cầu chủ động về PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương này có phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ rủi ro. Bảo đảm an toàn các tuyến đê, đập hồ thủy lợi và phân công lực lượng trực các điếm canh đê, hồ để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố. Người dân trên địa bàn huyện cũng được tuyên truyền về trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, chủ động ứng phó nếu xảy ra thiên tai...
“Huyện Châu Đức có nhiều suối và hồ đập. Do đó, để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Ý thức người dân đã được nâng cao, tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chính quyền, thực hiện nghiêm túc “4 tại chỗ”. Nhờ đó, công tác PCTT luôn sẵn sàng để bảo đảm chủ động, kịp thời và hiệu quả”, ông Bản nói
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ thêm, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân. Trong đó, nhiệm vụ được vạch ra quan trọng nhất là các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn phải rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu. Đặc biệt là phương án sơ tán dân cư đến nơi tránh trú an toàn khi có thiên tai xảy ra. Xác định các khu vực xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng cao, số người dự kiến di dời, sơ tán nhanh nhất đến địa điểm tạm cư an toàn. “Từ phương châm “4 tại chỗ” và từng bước xây dựng cộng đồng cùng nhau PCTT, nâng cao khả năng huy động và tính sẵn sàng ứng cứu khi có thiên tai xảy ra”, ông Tuấn nói.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG