.

Tình yêu không tuổi với sách, báo

Cập nhật: 19:11, 21/04/2023 (GMT+7)

Ở tuổi ngoài 70, 80 nhiều cụ ông, cụ bà vẫn giữ thói quen làm bạn với từng trang sách, báo mỗi ngày để tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, thú vị và “làm giàu” kiến thức cho bản thân.

Ông Huỳnh Hữu Sanh (trái) Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Long thường xuyên đến thư viện xã đọc và mượn sách.
Ông Huỳnh Hữu Sanh (trái) Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Long thường xuyên đến thư viện xã đọc và mượn sách.

Thói quen đáng quý này không chỉ giúp người cao tuổi không bị lạc hậu trước sự bùng nổ thông tin hiện nay, mà còn là tấm gương sáng cho con cháu về văn hóa đọc.

Bà Ngô Quỳnh Lan (74 tuổi, phường 2, TP. Vũng Tàu), làm thơ, viết báo, hiện là hội viên Hội Nhà báo tỉnh và Hội VH-NT tỉnh. Với bà, sách, báo là người bạn đồng hành, là niềm đam mê. Nay mặc dù mắt không được rõ, nhưng bà vẫn giữ thói quen đọc sách, đọc Báo Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi sáng.

Cầm trên tay cuốn sách “Một thời làm báo” của Khối Nhà báo cao tuổi, bà chia sẻ: “Những trang sách, trang thơ tôi viết lên được phát hành rộng rãi đó là một niềm vui lớn. Và tôi rất muốn truyền cảm hứng đọc sách đến các bạn trẻ.

Ông Lương Trí Tiên, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, hiện có rất nhiều người cao tuổi có niềm đam mê sách, báo. Hơn 300 CLB trong đó có các CLB thơ ca, các hội viên cùng nhau trao đổi sách, báo cho nhau để đọc, học hỏi.
Hội cũng luôn khuyên khích các hội viên sống vui, sống khỏe như tập luyện thể thao để dẻo dai về thể chất, thường xuyên đọc sách, báo để “khỏe não”. Qua đó, giúp người lớn tuổi thêm vốn sống, và cũng là tấm gương cho con cháu về văn hóa đọc”.

Sách như người bạn khi về già. Sống trong thời đại 4.0 là một thế giới của kiến thức, đọc sách giúp tôi cảm thấy mình không còn cô đơn. Đọc báo hàng ngày, nhất là Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giúp tôi nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, biết được tình hình cuộc sống của người dân, đặc biệt giúp tinh thần tôi luôn vui vẻ, lạc quan”.

Bà cũng là người giàu lòng nhân ái, mỗi năm đều ủng hộ hàng ngàn phần quà trao đến những mảnh đời bất hạnh… Ghi nhận trái tim nồng ấm của bà, mới đây UBMTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2022.

Đã gần 80 tuổi nhưng ông Vũ Đình Bê (ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc), Chi hội trưởng Hội CCB xã Hòa Bình vẫn đam mê sưu tầm và đọc sách.

Gia tài của ông là những kệ sách cao quá đầu người. Sách cũ, mới đủ loại. Có những cuốn được lưu trữ cách đây đã hơn 40 năm, màu đã ngả nhưng vẫn đọc được tốt. Ông đam mê truyện Kiều và thơ cùng các loại sách như: tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật, văn học nước ngoài...

Bà Ngô Quỳnh Lan thường xuyên tham gia Hội báo Xuân, Hội sách  để đọc sách, báo.
Bà Ngô Quỳnh Lan thường xuyên tham gia Hội báo Xuân, Hội sách để đọc sách, báo.

Ông chia sẻ: “Đọc nhiều sách sẽ làm giàu vốn sống của bản thân. Ngày trước đọc sách chủ yếu phục vụ việc học tập và công việc nhưng sau khi về hưu, tôi đọc sách theo sở thích và nhu cầu tìm hiểu kiến thức. Đọc sách còn giúp tôi sống lại thời tuổi trẻ và làm đẹp thêm cho tâm hồn”.

Hiểu được giá trị của sách mang lại và tìm được niềm vui từ đọc sách nên hầu như mỗi ngày, ông đều dành khoảng hai giờ để đọc sách. Có những cuốn sách hay, ông đọc chậm lại, suy ngẫm và viết ra những câu tâm đắc, ấn tượng.

Kinh nghiệm của ông là, để duy trì được thói quen đọc sách, mỗi người cần tìm sách theo đúng nhu cầu của mình để tạo ra sự hứng thú, đam mê trong từng trang sách.

Còn ông Huỳnh Hữu Sanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Long, ngoài đọc sách ở nhà, ông thường xuyên đến thư viện xã Hòa Long đọc sách.

“Hiện nay, văn hóa nghe-nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc. Tôi mong muốn phong trào đọc sách được phát triển sâu rộng hơn nữa, để thế hệ trẻ làm quen rồi coi sách là bạn, từ đó dần bỏ đi những thói quen, trò chơi có hại như nghiện smartphone, nghiện game điện tử”, ông Sanh tâm sự.

Bài, ảnh: HƯƠNG THÙY

 
.
.
.