.
KHẢO SÁT TẠI CÁC ĐIỂM NGUY CƠ CAO XẢY RA ĐUỐI NƯỚC

Triển khai ngay các giải pháp ngăn chặn

Cập nhật: 19:45, 06/04/2023 (GMT+7)

Khảo sát tại các điểm thường xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc trong 2 ngày 5 và 6/4, Sở LĐTB-XH cùng các ban, ngành, địa phương đã bàn nhiều giải pháp xử lý cấp bách.

Sở LĐTB-XH cùng đoàn đến khu vực Sông Ray (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) khảo sát điểm đen xảy ra đuối nước.
Sở LĐTB-XH cùng đoàn đến khu vực Sông Ray (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) khảo sát điểm đen xảy ra đuối nước.

Nhiều điểm đen cần khắc phục

Sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm ở xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) và xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) làm 4 học sinh tử vong, Sở LĐTB-XH phối hợp cùng nhiều sở, ngành trực tiếp đến khảo sát tại các điểm đen và chỉ đạo yêu cầu khắc phục một số tồn tại.

Trong sáng ngày 5/4, bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH chủ trì đoàn đến khảo sát tại hồ Đá Bàng, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm hôm 19/3 vừa qua. Theo chính quyền địa phương, nơi đây xảy ra nhiều vụ đuối nước với cả người lớn và trẻ em, thậm chí có trường hợp đi tập thể dục ven bờ hồ khi bất cẩn đã té ngã, tử vong. Theo ghi nhận, phía bờ hồ có cắm nhiều bảng cảnh báo nguy hiểm đuối nước, cấm tắm, cấm câu cá tại hồ.

Đại diện Phòng Văn hóa thông tin huyện Châu Đức cho biết, sau khi 4 trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo huyện cùng phòng ban chuyên môn đã đi khảo sát những khu vực ao hồ có nguy cơ tai nạn. 

Qua kiểm tra thực tế, huyện nhanh chóng lắp 17 bảng cảnh báo tại hồ Đá Bàng và hồ Kim Long. Đồng thời chỉ đạo các xã hoàn tất cắm bảng cảnh báo tại các khu vực ao hồ nguy hiểm tại địa bàn.

Ngày 6/4, đoàn tiếp tục đến khảo sát nhiều điểm đen xảy ra đuối nước tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, trong đó có khu vực Sông Ray nơi vụ việc 2 học sinh đuối nước hôm 24/3. Theo ghi nhận của chúng tôi, nơi xảy ra tai nạn đuối nước nằm cách đường 328 khoảng 5km, khu vực này thưa thớt dân cư nhưng thường có người đánh bắt cá dưới lòng sông. Là mùa nắng nên mực nước sông Ray đã chạm đáy, để lại những mỏm đá lổm chổm cùng các ao nhỏ.

Để kéo giảm tai nạn đuối nước, vừa qua huyện Xuyên Mộc cũng đã tổ chức rà soát và tiếp tục phát hiện 29 điểm sông suối ao hồ không có biển báo, không người trông coi.

Qua 2 ngày khảo sát, đoàn ghi nhận các điểm dù gắn bảng cảnh báo nhưng “mức độ cảnh báo” chưa cao. Đơn cử như hồ Đá Bàng, khu vực này chỉ tập trung cắm bảng phía dưới bờ hồ, chưa thống kê số người chết đuối, chưa chú trọng đẩy đuổi người dân ra khỏi khu vực lòng hồ.

Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho rằng, bảng cảnh báo không chỉ lắp gần khu vực hồ mà phải cảnh báo từ đầu đường, bảng cần bổ sung thêm độ sâu của hồ và số điện thoại đường dây nóng để người dân gọi điện báo lực lượng chức năng kịp thời.

Chú trọng tuyên truyền và phổ cập bơi

Giảm thiểu tai nạn đuối nước trong thời gian tới là nhiệm vụ cấp thiết và cần triển khai đồng bộ các cấp ngành. Do đó đoàn khảo sát cũng đồng thuận phương án đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục từ nhà trường đến phụ huynh, nâng cao ý thức học sinh.

Xác định nguyên nhân đuối nước, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho rằng có yếu tố lơ là trong quản lý tại các lòng hồ, nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm ở sự thiếu ý thức từ chính các em học sinh. Dù nhà trường, phụ huynh, địa phương liên tục nhắc nhở cảnh báo các em về các điểm đen nguy cơ đuối nước nhưng do trẻ tính hiếu động, không nghe lời dẫn đến những sự việc đau lòng. Một phần cần có chế tài cụ thể đối với người không chấp hành yêu cầu của lực lượng quản lý lòng hồ. “Tôi đề nghị các điểm hụt chân thì cần đánh dấu bằng cờ để cảnh báo. Nhiều em biết bơi nhưng thiếu kỹ năng xử lý tình huống cũng sẽ tử vong. Đối với lực lượng quản lý lòng hồ cũng cần trang bị kiến thức và kỹ năng cứu người đuối nước.”,  bà Nguyễn Vân Anh nói.

Về trách nhiệm địa phương, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay UBND huyện đang vận động kinh phí đưa các hồ bơi di động đến địa bàn thiếu hồ bơi và hướng tới phổ cập bơi lội, cố gắng giảm mức thấp nhất số trẻ đuối nước từ năm 2023 về sau. Đồng thời yêu cầu các địa phương phải quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý những khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. “Địa phương không chỉ làm việc bằng kế hoạch, thông báo mà cần có kết quả mỗi năm bao nhiêu cháu biết bơi, kinh phí có thể mạnh dạn đề xuất với cơ quan cấp trên. Địa phương nào để học sinh đuối nước thì phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Hữu Lộc nói.

Huyện Châu Đức năm 2022 xảy ra 2 vụ đuối nước làm 2 học sinh tử vong. Nhưng chỉ 3 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã xảy ra 2 vụ làm 4 học sinh tử vong. Các nạn nhân đều là học sinh trường THPT Nguyễn Trãi. Còn tại huyện Xuyên Mộc, riêng năm 2022 đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 8 trẻ em tử vong, trong đó có 3 vụ tại xã Hòa Hiệp làm 7 trẻ tử vong. Quý I/2023, xã Tân Lâm lại xảy ra 1 vụ làm 2 học sinh tử vong.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

.
.
.