Giúp trẻ tự kỷ tự tin hòa nhập

Thứ Năm, 06/04/2023, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Để giúp trẻ tự kỷ tự tin hòa nhập đòi hỏi cả một quá trình dài với sự chia sẻ, yêu thương, chăm sóc, giáo dục, can thiệp kịp thời của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng.

Học sinh Trường MN Ngôi nhà hạnh phúc (thuộc Trung tâm giáo dục hòa nhập Phước An, 53/1, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) chơi trò chơi vận động trong một buổi dã ngoại tại Công viên Bãi Trước (TP.Vũng Tàu).
Học sinh Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An, 53/1, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) chơi trò chơi vận động trong một buổi dã ngoại tại Công viên Bãi Trước (TP.Vũng Tàu).

Phát hiện, can thiệp kịp thời

Nguyễn Anh Q. là cậu bé hiếu động, năm nay gần 6 tuổi. Em nhanh nhẹn, hiểu được ý của cha mẹ, cô giáo; nhận diện được hết các số, chữ cái, màu sắc, con vật, hình học đơn giản; nói được câu dài khoảng 4 từ. Đối với những trẻ khác, đó là chuyện bình thường ở lứa tuổi này nhưng với Anh Q. là sự tiến bộ vượt bậc. Bởi hơn 3 năm trước, em bị chứng rối loạn phổ tự kỷ. Một trong những biểu hiện của bệnh này  là không chịu nói chuyện, không hiểu người khác nói.

Chị Nguyễn Xuân Mai (ngụ chung cư DIC Phoenix, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), mẹ Anh Q. cho biết, khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường, vợ chồng chị đưa con đi gặp các chuyên gia tâm lý để chữa trị. Đặc biệt là sau 2 năm theo học ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An - 53/1, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu), Anh Q. đã có những chuyển biến tích cực. “Tôi nghĩ để giúp trẻ tự kỷ tiến bộ, cần có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và bản lĩnh của trẻ. Với tình hình khả quan này, tôi có thể sẽ cho cháu vào học lớp 1 ở trường công trong năm học tới”, chị Mai chia sẻ.

Không phải trẻ tự kỷ nào cũng phục hồi chức năng nhanh như Anh Q. Cô Lê Thị Chính Lan, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An cho rằng, việc phục hồi phụ thuộc vào mức độ bệnh, sự can thiệp kịp thời và đúng. Nếu trẻ tự kỷ được phát hiện càng muộn thì cơ hội để phát triển lại càng thấp và mất thời gian can thiệp lâu. Ngoài ra, sự trì hoãn của phụ huynh quá lâu do họ chưa sẵn sàng chấp nhận con bị mắc bệnh tự kỷ cũng đánh mất nhiều cơ hội cho trẻ phát triển.

Theo cô Lan, độ tuổi “vàng” để can thiệp thành công cho trẻ mắc bệnh tự kỷ là dưới 3 tuổi. Thực tế, ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An, có những trẻ được phát hiện và can thiệp sớm, chỉ mất từ 6 tháng - 1 năm là phát triển ổn, tự tin hòa nhập. Tất nhiên, cũng có những trẻ được phát hiện sớm nhưng do mức độ nặng nên thời gian can thiệp kéo dài hằng năm trời. Một số gia đình chưa thật sự quan tâm đến bệnh lý và sức khỏe của trẻ mắc bệnh tự kỷ nên những rối loạn tăng động, giảm chú ý không được phát hiện sớm, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng nghiêm trọng. 

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An hiện có 54 trẻ theo học. Với phương pháp giáo dục, can thiệp khá tốt, nhiều trẻ tự kỷ đã phát triển ổn định. Trung bình hằng năm, 7-12 HS đã tự tin hòa nhập, vào học lớp 1 ở các trường TH công lập trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như năm học 2021-2022, 8 HS của trường tự tin vào lớp 1.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TBXH cho hay, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch số 748/KH-SLĐTBXH về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội cho người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022. Năm 2022, từ nguồn ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 1,1 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng được Trung ương bố trí 200 triệu đồng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xã hội.

Năm 2023, dự kiến, tỉnh bố trí hơn 1,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện các hoạt động trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí và hơn 1,7 tỷ đồng thực hiện chương trình phát triển công tác xã hội. Từ nguồn lực này, Sở LĐ-TBXH phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tổ chức hội thảo về phát hiện sớm trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; triển khai thực hiện chính sách về giáo dục đối với trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.

Năm 2022, Sở TT-TT và các cơ quan, đơn vị đã phát hành hơn 20.000 tờ rơi tuyên truyền các chủ trương, chính sách về người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; phát thanh 10 chương trình trên 83 đài truyền thanh xã, phường nội dung trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí.
Sở LĐ-TBXH cũng tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí cho 343 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội và trong cộng đồng... Sở Y tế cũng tập huấn phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí và hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần và người rối nhiễu tâm trí cho gần 600 cộng tác viên, nhân viên y tế.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.