Đừng biến mình thành "nô lệ" của smartphone
Điện thoại thông minh (smartphone) ra đời đã đem lại cho cuộc sống nhiều điều mới mẻ, thú vị và dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng mặt trái của nó lại khiến con người trở nên xa cách nhau hơn.
Những chiếc điện thoại thông minh có thể dễ dàng kết nối với thế giới bằng một cú click chuột nhưng cũng tạo ra những khoảng trống khó có thể lấp đầy. |
Người người “ôm” điện thoại
Cuối tuần, một nhóm bạn rủ nhau gặp gỡ cà phê, nhưng sau khi vào quán, gọi món và nói vài ba câu chuyện xã giao, sau đó ai nấy đều lôi điện thoại ra lướt mạng như một thói quen mà phớt lờ mọi người xung quanh. Đó là hình ảnh quen thuộc ở các quán cà phê trong thời đại hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Thành Trung (đường Lê Quang Định, TP.Vũng Tàu) cho biết, có thể nói những chiếc smartphone đã kéo khoảng cách những con người xa nhau lại gần nhau hơn nhưng nó cũng vô tình đẩy những người đang sống gần nhau ngày càng xa cách. Đơn cử như, mỗi khi bạn bè, đồng nghiệp rủ nhau đi chơi, ăn uống hay cà phê ngồi trước mặt nhau nhưng lại chuyện trò thông qua những bình luận trên bức ảnh mà một người quen hay ai đó vừa đăng facebook.
Ngay cả trong cuộc sống gia đình, do công việc hằng ngày các thành viên trong gia đình rất ít có thời gian dành cho nhau. Một thực trạng khá quen thuộc hiện nay là sau bữa cơm tối, mỗi người trong gia đình đều tự giải trí với những thiết bị như smartphone, máy tính bảng, laptop. Quỹ thời gian dành cho những chiếc smartphone đã và đang “đánh cắp” những khoảng thời gian dành cho gia đình.
Chị Nguyễn Thùy Liên (đường Lương Văn Nho, TP.Vũng Tàu) kể, mỗi khi ở nhà, vợ chồng chị và hai con đều có thế giới riêng trên điện thoại di động. Thậm chí vợ hay chồng mỗi khi có việc gì cũng gọi nhau qua điện thoại, chỉ vì người ở phòng khách người trong phòng ngủ. Thực tế này cho thấy, những người chung sống với nhau trong một gia đình nhưng thiếu vắng những hành động yêu thương của những người thân dành cho nhau.
Sự phụ thuộc vào những chiếc smartphone đang ngày càng trở nên trầm trọng, không những gây ảnh hưởng xấu tới nơi làm việc, mà còn khiến người sử dụng giảm hiệu quả công việc. |
Đừng phụ thuộc quá nhiều vào smartphone
Trước thực trạng trên, nhiều người rất trăn trở về cách sử dụng điện thoại để tránh phụ thuộc vào nó. Theo các chuyên gia tâm lý, chúng ta đang sống thời công nghệ thông tin. Điều ấy đồng nghĩa với việc luôn có một hoặc nhiều chiếc điện thoại xen vào cuộc sống mọi lúc mọi nơi. Có rất nhiều người luôn sống trong một trạng thái mất tập trung, họ chi phối toàn bộ tâm trí lẫn cơ thể mình vào nhiều việc cùng một lúc. Ví dụ, họ vừa làm việc vừa lướt facebook tám chuyện với bạn bè hoặc đọc tin tức qua điện thoại. Cứ như vậy, hiệu quả mang lại sẽ rất thấp.
Và nữa, nó còn khiến các mối quan hệ xã hội trở nên xa cách hơn khi con người hầu như chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại để tương tác ảo mà quên mất chúng ta, niềm vui khi chúng ta sống thật. Nguồn cơn mọi thứ đôi khi cũng từ sống ảo mà ra. Chiếc điện thoại dù có ích nhưng nó không làm ra hạnh phúc. Hạnh phúc là tương tác với đời thật, cảm giác với đời thật.
Như vậy, làm gì để hạn chế việc sử dụng điện thoại vào những việc không cần thiết? Chia sẻ về bí quyết này, trên nickname Trần Vân Anh tâm sự, trước đây, cứ cuối tuần là chị đau đầu chuyện làm thế nào để cách ly hai người con và ông chồng với cái điện thoại. “Thế rồi, dạo này mình phải dùng cả “quân luật” để cả nhà ra ngoài chơi nhiều hơn. Theo đó, hai người con sáng thứ Bảy phải vào trường đá banh, buổi chiều phải ra khỏi nhà đi dạo 1 tiếng mới được trở về. Cũng may các bạn ấy là loại hướng ngoại nên đã dắt xe mang theo trái banh lê la tìm bạn hàng xóm để chơi. Có hôm thì tới phòng gym tập thể dục, leo núi, đá banh…
Riêng hai vợ chồng thì cùng nhau làm việc nhà, đi siêu thị, lười quá thì rủ nhau tới rạp chiếu phim hoặc đi thăm bạn bè, nội ngoại. Nói chung phải tự làm cho mình bận rộn để quên chiếc điện thoại đi. Nhờ đó, bây giờ thời gian sử dụng điện thoại của các thành viên đã giảm được từ 40-60% so với trước”, chị Vân Anh cho biết thêm.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN