Để không có trẻ bị bỏ lại phía sau

Thứ Năm, 27/04/2023, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

(Kỳ cuối)

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là quản lý trẻ ở các cơ sở ngoài công lập và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đến thăm và vui chơi với trẻ em  đang sinh sống tại Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang (TX.Phú Mỹ).
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đến thăm và vui chơi với trẻ em đang sinh sống tại Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang (TX.Phú Mỹ).

Còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó 24 cơ sở ngoài công lập, đang nuôi dưỡng gần 500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 12 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Các cơ sở còn lại chưa được cấp phép do liên quan đến yếu tố tôn giáo hoặc chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự… để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập hoặc cấp phép hoạt động. Vì thế, công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở những cơ sở này còn một số hạn chế.

Bà Trần Thị Lệ, Phó Trưởng phòng LĐ-TBXH TX.Phú Mỹ cho biết, thời gian qua, thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng và xã, phường theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức nuôi trẻ chưa được cấp phép để ngăn chặn kịp thời, đồng thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại cơ sở. Tuy nhiên, đa số các cơ sở bảo trợ nuôi dưỡng trẻ ngoài công lập trên địa bàn hình thành từ rất lâu và xuất phát điểm là nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với các cơ sở thờ tự phật giáo, họ nuôi dưỡng trẻ từ lòng từ bi thiện nguyện. Cơ sở dù còn khó khăn nhưng khi gặp các trường hợp trẻ mồ côi bị bỏ rơi thì các tổ chức này vẫn sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc các em.

Bà Lệ phân tích thêm, TX.Phú Mỹ là địa bàn tập trung nhiều KCN nên có số lượng lớn công nhân từ các tỉnh khác đến đây làm việc và sinh sống. Một bộ phận người lao động có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện chăm sóc các em nên gửi các trẻ tại các cơ sở nuôi dạy trẻ trên địa bàn. “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của gia đình, xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chúng tôi cũng ưu tiên bảo vệ nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt”, bà Lệ cho hay.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cũng thông tin thêm về một số khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật cho trẻ mồ côi. Đó là hầu hết gia đình, người thân và bản thân trẻ chưa có kiến thức, kỹ năng nhận diện về vấn đề sức khỏe tâm thần, tâm lý cho trẻ mồ côi. Một phần dẫn tới tình trạng này là do các cấp, các ngành, gia đình và nhà trường chưa có sự quan tâm đúng mức. Việc đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ, đội ngũ tư vấn chuyên môn hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý cho trẻ còn hạn chế. Do đó, số lượng đơn vị cung cấp các dịch vụ này cho trẻ trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Công tác truyền thông về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được thực hiện thường xuyên, tài liệu tuyên truyền chưa phong phú.

Bên cạnh đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ đối với trẻ mồ côi cha hoặc mẹ (mồ côi một phía). Nhưng thực tế có một số trường hợp trẻ bị mồ côi một phía nhưng người còn lại (cha hoặc mẹ) thiếu sự quan tâm, chăm sóc, thậm chí bỏ đi làm ăn xa, lấy vợ hoặc lấy chồng khác, ít hoặc không liên lạc về với gia đình.

Từ năm 2018-2022, toàn tỉnh có hơn 1.170 lượt trẻ mồ côi không nơi nương tựa trong cộng đồng được hưởng trợ cấp thường xuyên; hơn 180 em tại các cơ sở bảo trợ được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng. Gần 74.940 lượt HS được miễn, giảm học phí. Gần 260.390 lượt trẻ em được thụ hưởng Đề án Sữa học đường.

Cần có chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi một phía

Trước những khó khăn trên, ông Trần Quốc Khánh kiến nghị Bộ LĐ-TBXH, Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý cho trẻ một cách cụ thể; triển khai lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý cho trẻ em trong các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành. Cùng với đó, cần biên soạn, phát hành các tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần và kỹ năng tự chăm sóc, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý để tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho nhân viên, cộng tác viên cấp cơ sở.

Bộ Y tế xem xét tham mưu chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ BHYT cho trẻ em mồ côi một phía và trẻ em từ 6 đến dưới 10 tuổi, góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được tốt hơn.  “Bộ LĐ-TBXH, Bộ GD-ĐT cần tham mưu chính sách trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí đối với trẻ em mồ côi một phía”, ông Khánh đề nghị.

Trong buổi giám sát tại UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ mồ côi, các thành viên trong Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội đã hướng dẫn Bà Rịa-Vũng Tàu một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác này. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có một lực lượng nhân viên, công tác viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đây là một nguồn lực rất quan trọng nhưng họ đang còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Vì thế, tỉnh cần có các giải pháp duy trì và nâng cao năng lực, trình độ về kiến thức, kỹ năng tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ mồ côi cho đội  ngũ này.

“Sở Y tế, Sở LĐ-TBXH cùng phối hợp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ bằng cách phát triển thêm các dịch vụ, tư vấn hỗ trợ để kịp thời nắm bắt, giải quyết và ngăn chặn những vấn đề mà các trẻ đang gặp phải”, bà Thoa chia sẻ.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá cao UBND tỉnh đã kịp thời quan tâm, chăm sóc và thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước dành cho trẻ mồ côi, nhất là khi tỉnh đã có nhiều chính sách đặc thù và huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào công tác này. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ mồ côi, UBND tỉnh cần tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chính sách và tiếp tục tham mưu, có văn bản thay thế, điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và thanh, kiểm tra đối với các trung tâm nhân đạo, cơ sở bảo trợ xã hội về vấn đề dinh dưỡng, điều kiện sinh hoạt, học tập, sức khỏe, giới tính… Ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: “Tất cả các đối tượng trẻ em có mặt trên địa bàn tỉnh đều phải được bảo vệ, chăm sóc, với mục tiêu “không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau”. 

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.