.

Cô giáo Vũng Tàu đưa Người giàn khoan vào sách giáo khoa

Cập nhật: 12:56, 10/04/2023 (GMT+7)

Một ngày cuối tháng 2, cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu) bất ngờ nhận thông tin: Bài thơ “Người giàn khoan” cô sáng tác cách đây hơn 10 năm chính thức được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 4, bộ sách Cánh Diều.

Lần đầu tiên, hình ảnh người lao động ngành dầu khí được đưa vào SGK. Đó không chỉ là niềm vui của riêng tác giả bài thơ, mà còn là niềm vui chung của những người lao động trong thời kỳ mới.

“Đứa con tinh thần” của “người ngoại đạo”

Bài thơ “Người giàn khoan” có tên ban đầu là “Con người ở giàn khoan”, ra đời chỉ sau một đêm trăn trở. Thế nhưng, với tác giả Vũ Thị Việt Hoa, mạch cảm xúc trong cô từ lâu đã như hạt phù sa âm thầm lắng đọng qua thời gian.

Bài thơ “Người giàn khoan” được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 4, bộ sách Cánh Diều.
Bài thơ “Người giàn khoan” được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 4, bộ sách Cánh Diều.
Bản gốc bài thơ
Bản gốc bài thơ "Con người ở giàn khoan" của cô Việt Hoa.

Ngôi trường cô đang công tác nằm trong lòng “Thành phố dầu khí”, rất gần Công ty Trực thăng Miền Nam. Hàng ngày, nhìn những chuyến trực thăng nhộn nhịp bay đi bay về đưa đón đội ngũ kỹ sư, công nhân giàn khoan, trong cô dâng trào cảm xúc trân trọng, khâm phục những con người khai thác dầu khí ngoài khơi. Họ lao động trong một môi trường đặc thù: xa gia đình, người thân để làm việc giữa bốn bề biển cả, cùng đồng nghiệp gắn bó với khối sắt thép khổng lồ suốt một khoảng thời gian dài.

Bắt đầu sáng tác từ khi còn là sinh viên, đến nay, cô Vũ Thị Việt Hoa đã có nhiều tác phẩm văn, thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí, được phổ nhạc hoặc đạt giải tại các cuộc thi. Với cô, việc sáng tác đơn giản là nói lên tiếng lòng của chính mình: “Khi gặp được một ý tưởng, một đề tài, tự nhiên những câu từ như được sắp xếp sẵn đã kết nối lại với nhau, cùng thăng hoa thành một tác phẩm”.

Trong công tác, cô Việt Hoa là điển hình tiên tiến của ngành GD-ĐT tỉnh, là “bóng hồng” duy nhất được tôn vinh tại chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ XV của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2019.

Cô hình dung cảnh những con người nơi đây luôn lao động trong tâm thế hối hả, khẩn trương, tràn đầy nhiệt huyết với trách nhiệm và tình yêu cuộc sống. Và ở nơi ấy, ngọn lửa khí trên giàn khoan như một bông hoa cháy bừng lên sức sống, niềm tin và hi vọng của con người giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ.

Cảm xúc trong cô là sự xúc động khi tình cờ được nghe câu chuyện của một “người giàn khoan” kể với vợ mình về cuộc gặp gỡ lúc giao ca với đồng nghiệp thân thiết. Bao tình cảm trân quý, cùng sự động viên, khích lệ, họ không cần nói thành lời, mà dồn cả vào cái bắt tay thật chặt. Rồi lại hối hả, người tạm biệt biển khơi sau hàng chục ngày lao động miệt mài để trở về đất liền với gia đình, người lại bắt tay vào công việc của mình nơi giàn khoan giữa mênh mông sóng nước.

Cô Vũ Thị Việt Hoa.
Cô Vũ Thị Việt Hoa.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi có chồng là “người giàn khoan”. Chúng tôi thường động viên lẫn nhau để các cô vừa chu toàn công việc gia đình, vừa hoàn thành tốt việc trường, việc lớp. Mỗi khi “người giàn khoan” của các cô trở về nghỉ ca, không ai bảo ai, chúng tôi lại chung tay đỡ đần công việc ở trường để thời gian sum vầy với gia đình của các cô được kéo dài thêm một chút”, cô Việt Hoa xúc động chia sẻ.

Là “người ngoại đạo” cả với văn chương và với ngành kinh tế đặc biệt mang tên dầu khí, nhưng với một tâm hồn nhạy cảm và “một trái tim giàu có”, cô đã viết nên bài thơ như là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi chạm tới cuộc sống”. Bài thơ từng đoạt giải Ba cuộc thi thơ nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Vietsovpetro (1981-2011).

Cuộc tìm kiếm kỳ công

Bài thơ được sáng tác cách đây 12 năm, chưa được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng bất ngờ lại được đưa vào SGK môn Tiếng Việt - Bộ sách Cánh Diều của NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Phía sau đó là một câu chuyện đầy thú vị, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của những người biên soạn SGK.

Hình ảnh giàn khoan còn được đưa ra trang bìa SGK Tiếng Việt lớp 4.
Hình ảnh giàn khoan còn được đưa ra trang bìa SGK Tiếng Việt lớp 4.

Trò chuyện với chúng tôi, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 4 cho biết, để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, SGK Tiếng Việt - bộ sách Cánh Diều được xây dựng trên 2 trục chính, đó là trục Chủ đề - Chủ điểm và trục Các hoạt động rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Theo trục Chủ đề - Chủ điểm, các bài đọc trong SGK được tổ chức thành 4 chủ đề: Măng non, Cộng đồng, Đất nước, Ngôi nhà chung. Các chủ đề được mở rộng và phát triển dần theo từng lớp. Riêng ở lớp 4, chủ đề Đất nước được phát triển thành các chủ điểm: Niềm vui lao động, Bài ca giữ nước, Tuổi nhỏ chí lớn.

Với chủ điểm Niềm vui lao động, GS.Nguyễn Minh Thuyết đã trao đổi với các tác giả biên soạn SGK về ý tưởng: Bên cạnh các ngành truyền thống như nông nghiệp, ngư nghiệp…, chủ điểm này cần có thêm bài đọc về những ngành kinh tế mới, trong đó có ngành dầu khí. Bởi đây là một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước nhưng từ trước tới nay chưa từng có tác phẩm viết về lĩnh vực này được đưa vào SGK.

Để tìm được tác phẩm phù hợp, nhóm tác giả biên soạn sách đã dành nhiều thời gian, tâm sức, kỳ công tìm kiếm các tác phẩm viết về ngành dầu khí từ nhiều kênh, nhiều nguồn, thậm chí liên hệ cả với những người trong ngành để được hỗ trợ.

Bài thơ “Người giàn khoan” khiến tôi thực sự xúc động khi bắt gặp hình ảnh của những người đồng nghiệp và của cả chính mình ở đó. Bài thơ được đưa vào SGK không chỉ là niềm vui riêng của tác giả, mà còn là niềm vui chung của những người lao động ngành dầu khí. Đó là sự tôn vinh ý nghĩa với các thế hệ người lao động đã và đang thầm lặng cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

(Ông Hoàng Phúc Long, Phó Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro).

Khi đó, chị Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã kết nối với các đơn vị trong toàn ngành, trong đó có Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro để tìm kiếm các tác phẩm phù hợp. “Người giàn khoan” là một trong nhiều tác phẩm được ông Hoàng Phúc Long, Phó Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro tập hợp gửi về.

Tác giả Đặng Kim Nga, thành viên nhóm biên soạn SGK chia sẻ, “cuộc gặp gỡ” với “Người giàn khoan” không phải sự tình cờ, mà là cuộc tìm kiếm công phu và có chủ đích của các tác giả biên soạn sách.

Bà cho biết thêm, văn bản SGK phải đáp ứng những yêu cầu nhất định cả về nội dung, nghệ thuật, số lượng chữ và phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS. Trong nhiều tác phẩm mà các tác giả SGK được tiếp cận, “Người giàn khoan” đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu trên: “Bài thơ xinh xắn, giàu cảm xúc. Qua đó, hình ảnh người lao động ngành dầu khí hiện lên rõ nét. Tác phẩm đã tạo nên những nét vẽ ấn tượng trong bức tranh toàn diện về công cuộc đổi mới đất nước”.

Theo nhóm tác giả, một điều thú vị là bài thơ dành cho HS tiểu học lại do chính một cô giáo tiểu học sáng tác. Bài thơ sẽ giúp các em HS hiểu biết thêm về những người làm việc ở giàn khoan, về một ngành rất quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Có lẽ, nhiều em HS, nhất là các em ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ vui và xúc động vì thấy đâu đó bóng dáng người thân của mình.

Sau khi bài thơ được đề xuất, GS.Nguyễn Minh Thuyết đã trực tiếp liên hệ với tác giả, đề nghị được biên tập tác phẩm để đưa vào SGK. Ông cũng chính là người đã đứng ra bảo vệ thành công tác phẩm trước Hội đồng thẩm định SGK với những lý lẽ thuyết phục. Bên cạnh đó, ông còn quyết định đưa hình ảnh giàn khoan ra trang bìa SGK Tiếng Việt Lớp 4 để tôn vinh ngành kinh tế trọng điểm của đất nước và những người lao động thời kỳ mới.

KHÁNH CHI

 

 

 

 

 

 

.
.
.