Bắt mạch kê đơn cho 'bệnh' đuối nước và bạo lực học đường

Thứ Hai, 03/04/2023, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Chia sẻ kỹ năng phòng chống đuối nước và bạo lực học đường, ThS. Nguyễn Danh Khoa, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn Việt Nam cho rằng, việc tìm ra căn nguyên chính là giải pháp để giải quyết triệt để những vấn đề nhức nhối này.

ThS. Nguyễn Danh Khoa hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước.
ThS. Nguyễn Danh Khoa hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước.

Kỹ năng sinh tồn quan trọng hơn kỹ năng bơi

Theo ThS Nguyễn Danh Khoa, có khoảng 10 nguyên nhân dẫn tới tai nạn thương tích ở trẻ em. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do đuối nước.

Nguyên nhân của tai nạn đuối nước là do thiếu sự giám sát của người lớn, không biết bơi, chuột rút… Trong đó, đối với trẻ em ở độ tuổi từ 0-6 tuổi, chủ yếu do thiếu sự giám sát của người lớn. Để phòng chống đuối nước cho trẻ, trước hết, cần thận trọng với những “mặt nước hở” xung quanh môi trường của trẻ và cảnh báo trẻ về những mối nguy hiểm rình rập.

Đó có thể đơn giản chỉ là xô, chậu chứa nước, vật dụng đựng nước không đậy nắp, bể nước, ao hồ, sông ngòi… ông dẫn chứng “có không ít trường hợp trẻ đuối nước thương tâm ngay trong xô, chậu chứa nước tưởng như vô hại trong gia đình, trường học”.

Theo ông, hiện nay, tỷ lệ trẻ biết bơi ngày càng cao, nhưng lý do gì khiến tai nạn đuối nước vẫn ở mức báo động. Thậm chí, nhiều trường hợp trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do đuối nước? Nguyên nhân là do trẻ không được trang bị các kỹ năng ứng phó. “Kỹ năng sinh tồn quan trọng hơn kỹ năng bơi”, ThS. Nguyễn Danh Khoa nhấn mạnh.

Ông phân tích, trẻ em nếu không được hướng dẫn về kỹ năng xử lý sẽ hành động theo bản năng dẫn đến những vụ đuối nước tập thể. Nhiều trường hợp, trẻ biết bơi nhảy xuống cứu người bị nạn theo bản năng nhưng cuối cùng không những không cứu được người mà còn gây nguy hiểm cho bản thân.

Ngoài ra, các em cần được hướng dẫn cách nhận diện dòng chảy nguy hiểm trên các bãi tắm vì đó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Khi không may rơi vào tình huống này, để thoát hiểm, các em tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy, mà hãy thả lỏng cơ thể, bơi song song với bờ biển, bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa vào bờ.

Đặc biệt, trước khi biết bơi, trẻ cần được học kỹ năng thở dưới nước, nổi trên mặt nước, không hoảng loạn khi rơi xuống nước… Bên cạnh đó, cha, mẹ, GV, HS còn cần được trang bị kỹ năng sơ sấp cứu ban đầu để kịp thời xử lý khi gặp người bị nạn. Bởi phần lớn các vụ trẻ em tử vong là do không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Những đứa trẻ hạnh phúc không bao giờ làm tổn thương người khác

Khi trao đổi về vấn nạn bạo lực học đường, ThS Nguyễn Danh Khoa chỉ ra căn nguyên của bạo lực học đường là một hiện tượng tâm lý xã hội. Có một quy luật về mặt tâm lý, đó là: “Những đứa trẻ sống trong môi trường hạnh phúc không bao giờ làm tổn thương người khác”.

Trẻ em hiện nay đang trải qua giai đoạn đất nước phát triển rất nhanh, sự căng thẳng trong xã hội đã hấp thụ vào tinh thần của các em thông qua các mối quan hệ, và nhất là quan hệ gia đình. Các em đang bị mất kết nối với cha mẹ, thầy cô. Khi bị mất kết nối, các em vùi đầu vào mạng xã hội và những thiết bị điện tử dẫn tới bị rối loạn lo âu, trầm cảm. Những đứa trẻ bị tổn thương, bị bỏ rơi về tinh thần dễ dẫn tới hậu quả là có những hành vi bạo lực.

“Muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì phải bắt đầu “chữa” cho những người chung quanh trẻ”, ThS Nguyễn Danh Khoa bày tỏ. Theo đó, các nhà trường cần tổ chức hội nghị phụ huynh nhiều hơn để có thể cùng nhau giải quyết được những vấn đề về con em họ, tăng sự kết nối giữa trẻ với cha mẹ, thầy cô giáo.

Chuyên gia này cũng cho hay, ở những đất nước phát triển, trong trường học, ngoài các môn học văn hóa còn có thêm bộ môn chuyển đổi tâm thức của trẻ. Ở Phần Lan, đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới, đó là bộ môn thấu cảm, giúp gắn kết ngày càng sâu sắc, gieo mầm yêu thương cho trẻ.

Theo ThS Nguyễn Danh Khoa, trong mỗi con người luôn có cuộc đấu tranh giữa “bản năng” và “lý trí”, hay nói cách khác, đó chính là “Cuộc chiến giữa cái Nó và cái Tôi”. Khi bản năng trỗi dậy mà lý trí không kiểm soát được sẽ dẫn tới đánh nhau, cãi nhau, đó là nguyên nhân tội phạm ra đời.

Còn trong trường hợp lý trí kiểm soát được nhưng lại gây ra căng thẳng kéo dài sẽ dẫn tới rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm, tự làm hại chính mình. Cách giải quyết tốt nhất là giúp trẻ có thể chuyển hóa tâm thức, dồn năng lượng vào đam mê để tạo ra những thành quả tích cực. Đó cũng là một giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn bạo lực học đường.

Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển với khoảng 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm theo báo cáo của Bộ LĐTBXH. Vào thời điểm nghỉ hè, tai nạn này tăng cao 300% so với những tháng khác.

HOÀNG DƯƠNG

;
.