Bám sát ma trận đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tăng cường ôn thi tốt nghiệp THPT để các thí sinh có hành trang vững vàng trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này.
HS lớp 12A10, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) trong tiết học Toán do cô Võ Như Ý giảng dạy. |
Bám sát đề tham khảo
Tháng 3 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đề thi tham khảo được đánh giá là giữ ổn định như năm 2022.
Cô Lê Thị Phương Lan, GV bộ môn Ngữ văn (Trường THPT Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu) nhận định, đề thi tham khảo môn Ngữ văn cơ bản giữ ổn định về cấu trúc, tính chất, mức độ so với những năm trước. Phạm vi kiến thức chủ yếu ở lớp 12, phần kiến thức mở rộng của hai khối lớp còn lại rất ít. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, tổ bộ môn đã nghiên cứu, đánh giá mức độ, xây dựng bộ đề bám sát đề thi minh họa, tằng cường cho HS luyện giải đề để rèn luyện cả kiến thức và kỹ năng làm bài thi.
“Với bài thi môn Ngữ văn, phần Đọc hiểu, HS cần chú ý trình bày rõ ràng, gãy gọn. Phần Nghị luận Xã hội, các em cần rèn kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội theo đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Riêng với phần Nghị luận văn học, các em cần bám sát nội dung ôn tập, nắm được “khung” kiến thức cơ bản của mỗi bài học, tập thực hiện sơ đồ tư duy để từng bước hệ thống hóa kiến thức, đồng thời luyện kỹ năng viết bài nghị luận văn học”, cô Phương Lan lưu ý.
Tương tự, với bộ môn tiếng Anh, ma trận đề tham khảo cũng được đánh giá là không có nhiều khác biệt so với những năm trước. Sự thay đổi chỉ nằm ở một số rất ít câu lẻ. Bên cạnh đó, mức độ đề tham khảo cũng được nhận định là tương đương với đề thi chính thức năm 2022.
Cô Tạ Thị Thu Giang, GV bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Vũng Tàu cho hay, từ vựng trong đề thi chủ yếu là chủ đề quen thuộc như gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình… chứ không nặng về kiến thức chuyên ngành. Kiến thức nâng cao của đề tham khảo chủ yếu ở các câu thành ngữ, tục ngữ và bài đọc. Để đạt được kết quả cao với môn tiếng Anh, các em HS cần nắm vững kiến thức chương trình lớp 12 và một số kiến thức trọng tâm lớp 10, 11.
Với bộ môn Toán, đề tham khảo tuy vẫn giữ ổn định nhưng lại được đánh giá cao hơn với những câu ở mức độ phân loại cao. Cô Võ Như Ý, GV bộ môn Toán, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) cho biết, với đề tham khảo, các câu hỏi ở mức độ thông hiểu, vận dụng đều là các dạng bài quen thuộc. Do đó, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, thận trọng khi làm bài, thí sinh đã có thể giành được 8 điểm. Còn các câu ở mức độ phân loại cao hơn đều khá hay, bảo đảm sự phân hóa.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Cụ thể, ngày 27/6, các thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. |
Tăng dần thời lượng ôn tập
Cô Nguyễn Thị Lan Đài, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các tổ bộ môn đã xây dựng các chuyên đề để dạy tăng cường vào các buổi chiều đối với 6 môn thi theo khối và tổ hợp môn. Từ tháng 4, HS của 15 lớp 12 đều tăng thời lượng ôn tập vào 4 buổi chiều/tuần và bắt đầu luyện giải các bộ đề do các tổ bộ môn xây dựng trên cơ sở bám sát đề tham khảo của Bộ GD-ĐT.
Hiện nay, HS lớp 12 của trường đã tham gia đợt thi thử của Sở và trước đó là đợt thi thử của trường. Dựa trên kết quả các đợt thi thử, nhà trường sẽ nắm bắt tình hình dạy và học thực tế để rút kinh nghiệm, có phương án bổ sung kiến thức cho HS. “Đến cuối tháng 5, sau khi kết thúc chương trình chính khóa, HS lớp 12 ôn thi THPT tại trường vào tất cả các buổi sáng, còn buổi chiều các em tự ôn tập. Việc ôn thi sẽ kéo dài tới cuối tháng 6, gần sát ngày thi chính thức”, cô Lan Đài cho biết thêm.
Còn tại Trường THPT Châu Thành, giai đoạn này, nhà trường vừa giảng dạy chương trình chính khóa vừa tăng cường cho HS lớp 12 ôn tập, luyện giải đề vào các buổi chiều. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, giai đoạn cao điểm ôn thi THPT của trường kéo dài 6 tuần: giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối tháng 4 cho tới 15/5 và giai đoạn 2 từ 15/5 tới 24/6. Giai đoạn 1, HS ôn tập 4-5 buổi chiều/tuần theo với các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và theo các khối mà các em lựa chọn để xét tuyển. Giai đoạn 2, nhà trường chỉ tổ chức ôn thi vào các buổi sáng, còn buổi chiều HS tự ôn tập.
Đối với các em HS, trong tháng 4 này, các em cũng bắt đầu “tăng tốc” để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Em Tào Thúy Ái (HS lớp 12D1, Trường THPT Vũng Tàu) cho hay: “Ngoài học chính khóa ở trường, em dành hầu hết các buổi chiều và tối trong tuần để ôn thi 6 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, GDCD phục vụ cho xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Ngoài ra, em còn luyện thi IELTS để được ưu tiên xét tuyển ĐH”.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG