"XÓA BỎ" LỚP KHÔNG CHUYÊN TRONG TRƯỜNG THPT CHUYÊN

Không gây nhiều xáo trộn

Thứ Ba, 14/03/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4, Bộ GD-ĐT chính thức yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường THPT chuyên. Bà Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, quyết định này là hợp lý và không gây nhiều xáo trộn trong hoạt động của trường chuyên.

Thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các đại biểu tham dự Lễ mừng Huân chương Lao động hạng Nhất và ra quân kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2022-2023.
Thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các đại biểu tham dự Lễ mừng Huân chương Lao động hạng Nhất và ra quân kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2022-2023.

Bỏ lớp không chuyên là hợp lý

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Điểm đáng chú ý trong Thông tư này là Bộ GD-ĐT yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường THPT chuyên.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã từng có hệ không chuyên. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nhà trương đã dừng tuyển sinh hệ này. Bà Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, việc xóa lớp không chuyên trong trường chuyên là hợp lý: “Trước đây, nhằm tận dụng và phát huy tối đa cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn của trường chuyên, nhiều trường THPT chuyên đã mở thêm hệ không chuyên với những tiêu chí về chất lượng đầu vào và số lượng HS phù hợp với thực tế của trường. Tuy nhiên, theo tôi, việc dừng tuyển sinh hệ không chuyên là quyết định cần thiết, đúng đắn”.

Theo bà Lữ Thị Trà Giang, có nhiều lý do không nên mở lớp không chuyên. Trước hết, nhiệm vụ của trường THPT chuyên là đào tạo, bồi dưỡng HS có tố chất, tài năng. Do đó, trường THPT chuyên cần tập trung tối đa nguồn lực cho đối tượng này theo đúng tinh thần của quy chế trường chuyên đã được ban hành. Khi học tập tại trường chuyên, HS chuyên được hưởng chế độ đãi ngộ riêng. Và chế độ này không được thực hiện với HS không chuyên. Vì thế, việc duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ khiến HS cảm thấy bất bình đẳng trong học đường, ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

Bên cạnh đó, việc tuyển sinh lớp không chuyên thực chất cũng là 1 hướng mở rộng quy mô của trường chuyên. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất đến nhân lực, chương trình giáo dục… Đó sẽ là thách thức không nhỏ với lãnh đạo nhà trường.

Bà Trà Giang cũng nhấn mạnh, hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có cách tổ chức và phương pháp dạy học, sự kết nối, giao lưu quốc tế... “Ở trường chuyên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những đặc thù riêng, việc mở thêm hệ không chuyên trong trường có thể gây ra nhiều bất cập, thiếu nhất quán trong công tác chỉ đạo và giảng dạy”, bà Giang nói. Đặc biệt, khi có lớp không chuyên, việc sắp xếp nhân sự, phân công trong giảng dạy nếu trường có lớp không chuyên dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp, dễ dẫn tới thiếu công bằng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của thầy cô giáo.

Nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn giữ vững và duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn. Trong ảnh: Tiết học của đội tuyển Lịch sử năm học 2021-2022 do cô Võ Thị Thanh Xuân giảng dạy.
Nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn giữ vững và duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn. Trong ảnh: Tiết học của đội tuyển Lịch sử năm học 2021-2022 do cô Võ Thị Thanh Xuân giảng dạy.

Không gây nhiều xáo trộn

Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, sau khi xóa bỏ lớp “cận chuyên”, hoạt động của nhà trường không có nhiều xáo trộn, kết quả giáo dục luôn được giữ ổn định, thậm chí có bước phát triển vượt bậc.

Bà Lữ Thị Trà Giang khẳng định: “Thời gian qua, nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời khẳng định được vị thế trường chuyên với những thành quả nổi bật trong giáo dục mũi nhọn”. Từ năm học 2015-2016 đến nay, tập thể Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn liên tục được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 4 lần được tặng Cờ Thi đua của UBND tỉnh, 4 lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ và 1 lần được tặng Cờ Thi đua của Bộ GD-ĐT và nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT. Năm 2016, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, và mới đây là đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bà Giang cho biết thêm, trong 5 năm trở lại đây, số lượng và chất lượng HS giỏi cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia của trường luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Trên 80% HS của trường tham dự kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh đều đạt giải cao. Trong các kỳ thi Olympic khu vực, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn luôn đứng trong tốp 3 với nhiều huy chương các loại. Riêng Kỳ thi HS giỏi Quốc gia các bộ môn văn hóa, có khoảng 58% HS dự thi đạt giải. Hàng năm, trung bình Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt khoảng 589 giải HS giỏi cấp tỉnh và 38 giải HS giỏi quốc gia. Năm 2017, tấm Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế năm 2017 với số điểm thủ khoa của em Hoàng Hữu Quốc Huy coi là “mốc son” trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung và của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói riêng. Trong năm học 2021-2022, đội tuyển Toán của nhà trường có 5/8 HS được tham gia vòng loại tuyển chọn đội tuyển Olympic Toán học quốc tế của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, nhiều HS đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học. Hàng năm, tỷ lệ HS của trường đậu ĐH đạt trên 98%. Trong đó nhiều em được xét tuyển thẳng, giành danh hiệu Thủ khoa, Á khoa trong các kỳ thi, xét tuyển ĐH hoặc giành học bổng có giá trị từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Bỏ lớp không chuyên để tập trung tối đa nguồn lực cho các lớp chuyên, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn còn có định hướng mở rộng quy mô lớp chuyên để “tạo đà” cho giáo dục mũi nhọn. Năm học 2021-2022, nhà trường đã mở thêm 1 lớp chuyên Vật lý. Hiện nay, trường đang đề xuất mở lớp chuyên Lịch sử và Địa lý sau khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự… “Việc mở thêm lớp chuyên có ý nghĩa rất lớn với cả thầy và trò. Qua nhiều mùa tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều em HS có năng khiếu nổi trội ở môn chuyên nhưng lại gặp rào cản ở 3 môn cơ bản. Việc mở rộng quy mô lớp chuyên, mở thêm môn chuyên tạo ra nhiều cơ hội hơn cho học trò. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thầy cô giáo có thêm nhiều “bột” để có thể “gột nên hồ”. Năm nay, việc đề xuất mở thêm 2 môn chuyên Lịch sử và Địa lý nhằm giúp các em HS có năng khiếu về Khoa học Xã hội có điều kiện để phát huy thế mạnh của mình”, bà Lữ Thị Trà Giang cho hay.

Theo Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học (gọi chung là lớp chuyên). Mỗi lớp chuyên có không quá 35 HS. Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

 
;
.