Vượt khó để chăm sóc người bệnh tốt hơn

Chủ Nhật, 05/03/2023, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, những nhân viên y tế ở Trung tâm bảo trợ xã hội, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy (Sở LĐTBXH) nỗ lực vượt qua khó khăn, dành nhiều tình yêu thương, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp để chăm sóc người bệnh.

Bác sĩ Phạm Hoàng Ngọc khám bệnh cho đối tượng cai nghiện.
Bác sĩ Phạm Hoàng Ngọc khám bệnh cho đối tượng cai nghiện.

Khó khăn, áp lực nào cũng vượt qua

Một ca trực của y sĩ Lê Thị Phượng, ở Trung tâm bảo trợ xã hội (cơ sở 2, xã An Ngãi, huyện Long Điền) bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 phút. Sau thời gian chuẩn bị thuốc men, vật tư y tế, chị đi xuống các phòng thăm khám, lau rửa vết thương, xoa bóp lần lượt cho các đối tượng bị bệnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây. Gặp bệnh nhân nào, chị Phượng đều nở nụ cười hiền hậu, hỏi thăm và kiểm tra sức khỏe cẩn thận. Thấy cụ Mai Thị Ngọc, 83 tuổi, bị ngứa ngoài da và gãi liên tục, chị Phượng nhẹ nhàng khuyên “Cụ đừng gãi nữa, gãi nhiều chảy máu và khó lành. Con sẽ bôi thuốc làm dịu cơn ngứa cho cụ. Khi nào cụ mệt cứ gọi con nhé”. May mắn, cụ Ngọc vui vẻ hợp tác nên công việc của chị Phượng diễn ra thuận lợi. 

“Mỗi lần bị mệt, đau đầu hay chóng mặt, tôi đều gọi cô Phượng. Nghe tôi gọi, cô lên kiểm tra sức khỏe cho tôi ngay, vừa đo huyết áp, vừa cho uống thuốc và kết hợp xoa bóp cơ thể. Cô chăm sóc tận tình và chu đáo”, cụ Ngọc nói.

“Các cụ sinh sống ở đây thiếu thốn sự quan tâm và tình cảm của người thân nên tôi xem họ như người thân. Dù công việc áp lực, vất vả, nhưng mỗi lần thấy các cụ ốm yếu, lại thương họ nhiều hơn. Tôi chỉ biết nỗ lực, dành nhiều tình cảm và tình thương để chăm sóc sức khỏe cho các cụ ”
Y sĩ Lê Thị Phượng, Trung tâm bảo trợ xã hội 
(cơ sở 2, xã An Ngãi, huyện Long Điền)

Chị Phượng tâm sự, chị gắn bó với Trung tâm bảo trợ xã hội hơn 12 năm nay. Thời gian đầu về nhận công tác, chị gặp không ít khó khăn và bở ngỡ. Khi đó, chị còn trẻ tuổi, mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc, hơn nữa bệnh nhân đông và là người già, mỗi cụ một tính cách nên việc tiếp xúc, làm quen khám bệnh cho các cụ khá vất vả. Có những lúc chị cảm thấy chùn bước, tính nghỉ việc, chuyển sang làm ở một đơn vị khác có môi trường làm việc thuận lợi hơn. Thế nhưng, nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện đã gắn kết và nuôi dưỡng tình thương của chị Phượng dành cho các cụ ngày càng lớn dần theo thời gian. Các cụ ở Trung tâm bảo trợ xã hội đã trở thành những người ông, người bà rất đỗi thân thuộc với chị.

Trung tâm bảo trợ xã hội (cơ sở 2) có gần 90 cụ, từ 60 tuổi trở lên. Trong đó có nhiều cụ sức khỏe yếu, tàn tật và mắc nhiều bệnh như: cao huyết áp, viêm phế quản, da liễu, hen suyễn, tim mạch… Mỗi ngày trực, chị phải khám, bôi thuốc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hơn 50 cụ. Với chị áp lực công việc lớn nhất khi các cụ không hợp tác điều trị bệnh, thậm chí có cụ còn nói những lời khó nghe. Thế nhưng, chị Phương vẫn vui vẻ làm việc, phục vụ tận tụy. Nhiều năm gắn bó, chị nhớ như in về thông tin bệnh tật lẫn tính cách nên việc chăm sóc các cụ trở nên dễ dàng hơn. 

“Những cụ nào khó tính thì tôi lựa lời khen họ trước khi khám bệnh như cụ có mái tóc đẹp, cụ mặc bộ đồ dễ thương, nước da cụ hồng hào… giúp người bệnh có tâm lý thoải mái. Tôi đã học và vận dụng lời Bác căn dặn, có tình yêu với nghề, tình thương với người bệnh thì khó khăn, áp lực nào tôi cũng vượt qua”, chị Phượng cho biết.

Chị Lê Thị Phượng cần mẫn xoa bóp cơ thể cho người bệnh.
Chị Lê Thị Phượng cần mẫn xoa bóp cơ thể cho người bệnh.

Dành hết công sức và tâm huyết cho người bệnh

Sau khi tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược Huế, bác sĩ Phạm Hoàng Ngọc, Trưởng Phòng Y tế, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) từng có thời gian làm việc tại tỉnh Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công việc ở những nơi này chưa có sự ổn định. Khi có người quen giới thiệu, ông đã chuyển về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống và làm việc. Ban đầu, ông làm ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Từ năm 2005, ông được điều chuyển sang Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy và gắn bó cho đến nay. 

Bác sĩ Ngọc cho biết, công việc của ông khá đặc thù do bệnh nhân rất “đặc biệt”. Đó là những người nghiện ma túy, nhận thức và nhân cách của họ có nhiều hạn chế. Hơn nữa, họ còn mắc nhiều bệnh nguy cơ lây nhiễm cao như HIV, lao. Vì thế, việc tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân này rất áp lực. Song vất vả nhất vẫn là khi gặp các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp, gây bệnh loạn thần hoặc các trường hợp thiếu trung thực khi khai về tình trạng sức khỏe.

 “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là người thầy thuốc phải có lương tâm, có nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền dành cho người bệnh. Có lương tâm, có đạo đức với người bệnh sẽ giúp người thầy thuốc càng thêm tin yêu, gắn bó với nghề, vượt qua mọi gian nan và thử thách của nghề”.
Bác sĩ Phạm Hoàng Ngọc, Trưởng Phòng Y tế, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ)

Ông cho rằng, với trình độ của mình, ông có rất nhiều cơ hội làm việc ở môi trường tốt hơn. Vậy nhưng, ông vẫn lựa chọn làm nghề ở Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy dẫu nơi đây có nhiều thua thiệt, tiềm ẩn các nguy cơ rình rập. Ông nói: “Từ ngày tôi về đây đến nay đã chứng kiến rất nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập và môi trường làm việc. Đôi lúc mệt mỏi quá, muốn tìm hướng đi khác. Nhưng thấy nhiều người nghỉ việc rồi, giờ mình nghĩ nữa lấy ai chăm sóc người bệnh. Làm việc với các đối tượng này mình phải rộng lượng, vị tha. Đã chọn nghề thì cứ dành hết công sức và tâm huyết giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng. Tôi nghĩ đơn giản thế nên xác định làm việc lâu dài ở đây”.

Bác sĩ Ngọc cho hay, học tập Bác là việc làm thường xuyên và suốt đời. Sinh thời Bác căn dặn, nhiệm vụ của người thầy thuốc rất vẻ vang. Người thầy thuốc cũng cần có sự đồng cảm với người bệnh, không ngại khổ, ngại khó để làm trọn phận sự cứu người. Do đó, dù bệnh nhân của mình đang bị xã hội, cộng đồng xa lánh thì bác sĩ Ngọc vẫn luôn niềm nở, ân cần chăm sóc cho họ.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.