Ngày nước thế giới (ngày 22/3) năm 2023 có chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” nhấn mạnh vai trò của nước. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước, thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.
Phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT về tiềm năng, nhu cầu và các giải pháp bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
* Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về trữ lượng, nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh?
- Ông Đặng Sơn Hải: Có 2 loại tài nguyên nước: tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất.
Về tài nguyên nước mặt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mạng lưới sông, suối chằng chịt. Những sông có lưu vực lớn như sông Dinh, sông Ray, sông Đu Đủ, sông Thị Vải. Ngoài ra còn có các suối có lưu vực tương đối lớn như suối Lồ Ô Lớn, Lồ Ô Nhỏ, suối Môn, suối Ngang, và các sông nhỏ như sông Cái, sông Đá Bàng, sông Bà Đáp… Còn lại phần lớn là những sông, suối nhỏ; những sông rạch sát biển có nguồn nước mặn chỉ dùng cho mục đích giao thông thủy hoặc nuôi trồng thủy sản.
Do địa hình dốc và ven biển, nên nguồn nước trên sông biến động nhanh và phức tạp. Mùa mưa, nước chảy nhiều và khá đều nhưng mùa khô có nhiều sông suối gần như cạn kiệt. Chính sự biến động này làm cho việc khai thác nguồn nước sông, suối rất khó khăn, đòi hỏi đầu tư và sự quản lý, vận hành hệ thống hồ chứa phải đồng bộ, kịp thời và điều phối tốt mới bảo đảm nhu cầu về nước của các ngành và dân sinh.
Đối với tài nguyên nước dưới đất ở khu vực đất liền trữ lượng khai thác tiềm năng toàn tỉnh đạt 676,683m3/ngày (nước nhạt) và 124,588m3/ngày (nước mặn). Trữ lượng khai thác an toàn được xác định theo trữ lượng động đạt 338.258m3/ngày (đối với nước nhạt) và 27.147m3/ngày (đối với nước mặn).
Nhân viên Công ty CP cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu thu gom rác tại hồ Đá Đen. |
Riêng huyện Côn Đảo, trữ lượng phân vùng khai thác đạt 5.000m3/ngày (đối với khu vực trung tâm Côn Sơn) và 1.000m3/ngày (đối với khu vực Cỏ Ống). Hiện nay, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng mới hồ Quang Trung 2, nạo vét hồ Quang Trung 1 và hồ An Hải. Kết quả họp đánh giá sơ bộ tổng trữ lượng khai thác nước trên địa bàn huyện Côn Đảo là khoảng 8.900m3/ngày.
* Thưa ông, hiện nay nhu cầu sử dụng nước và hoạt động sản xuất, cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh như thế nào?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch. Nguồn nước thô được lấy cung cấp cho các nhà máy xử lý bao gồm từ các hồ chứa và nguồn nước ngầm từ các giếng khoan.
Hiện nay, các đơn vị cấp nước đang thực hiện hạn chế khai thác nguồn nước thô khai thác từ các giếng khoan mà chủ yếu khai thác nguồn nước thô từ các hồ chứa để xử lý. Trong đó hồ Đá Đen (dung tích hồ khoảng 33,4 triệu m3) và hồ sông Ray (dung tích hồ khoảng 215,36 triệu m3) vẫn là hai hồ chứa nguồn nước thô lớn cung cấp nước cho các đơn vị sản xuất nước sạch.
Nguồn nước sạch sau xử lý cung cấp cho người dân và các DN trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của toàn tỉnh.
* Về công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh những năm qua có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Kể từ khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành, cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước và các chính sách liên quan và thực tiễn triển khai cho thấy, về cơ bản đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và người dân về bảo vệ tài nguyên nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên nước vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể nhiều quy định trong Luật Tài nguyên nước chậm hướng dẫn triển khai thực hiện và nhiều bất cập dẫn đến nhiều nhiệm vụ triển khai chậm như: công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, công tác kiểm kê, thống kê tài nguyên nước dẫn đến thiếu thông tin dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước.
Ngoài ra, các quy định về quản lý tài nguyên nước có nhiều sự chồng chéo liên quan đến nhiều ngành dẫn đến những bất cập trong việc phân bổ, quản lý nguồn tài nguyên nước và các hồ chứa nước...
Bên cạnh đó, cấp huyện, xã, hầu hết chỉ có một cán bộ làm công tác kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, gần như không có chuyên môn về tài nguyên nước. Điều này đã làm giảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương.
* Để bảo đảm nguồn nước cho sự phát triển bền vững của tỉnh, theo ông thời gian tới cần có những giải pháp nào?
- Để bảo đảm nguồn nước cho sự phát triển bền vững của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nhằm đảm bảo cấp nước an toàn phục vụ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy nhanh thực hiện tổng điều tra cơ bản về tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước để thiết lập cơ sở thông tin, dữ liệu, số liệu tài nguyên nước phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động tài nguyên nước.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên nước, tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao về quản lý tài nguyên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý tài nguyên.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giúp các cá nhân, tổ chức hoạt động tài nguyên nước đúng pháp luật, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái nguồn tài nguyên nước; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
* Xin cảm ơn ông!
QUANG VŨ (Thực hiện)