Nhiều người sắp đến tuổi hưu vẫn tìm việc
Đó là thực tế khá đặc biệt được ghi nhận tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ I năm 2023 do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐTBXH) phối hợp với UBND phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu) tổ chức cuối tuần qua.
Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ I, năm 2023. |
Người lớn tuổi tìm việc
Chị Vũ Thị Thanh, 45 tuổi, ở 38 Hàn Thuyên (TP.Vũng Tàu) từng có kinh nghiệm 19 năm làm tạp vụ trong một DN lớn, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Cách đây hơn 1 tuần chị đã xin nghỉ việc do sức khỏe không bảo đảm để làm ở vị trí việc làm hiện tại do quy mô DN lớn.
Chị Thanh chia sẻ: “Tôi vừa nghỉ việc nhưng cũng nôn nóng muốn tìm việc làm mới để có khoản thu nhập, bảo đảm các khoản chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Chồng tôi làm tài xế, thu nhập chừng 8 triệu đồng/tháng. Một mình anh cáng đáng gia đình thì rất vất vả và áp lực”.
Sau khi tìm hiểu các DN tuyển dụng trong PGDVL, chị đã nộp hồ sơ vào 2 đơn vị và chờ gọi phỏng vấn. “Tôi vẫn tìm công việc làm tạp vụ, mức lương thỏa thuận và làm giờ hành chính. Những DN nộp hồ sơ vào phù hợp với nguyện vọng của tôi”, chị Thanh nói thêm.
Không chỉ có NLĐ ở tuổi trung niên, nhiều người đã về hưu vẫn đến PGDVL tìm việc nhằm nâng cao thu nhập. Ông Trần Tiến Quân, 64 tuổi, ở 12/15 Trần Anh Tông (TP.Vũng Tàu) đang hưởng lương hưu 3 triệu đồng/tháng.
Vợ ông cũng có lương hưu 6 triệu đồng/tháng. Lẽ ra với mức lương này sẽ tạm ổn cho cuộc sống của 2 vợ chồng ông. Song ông Quân vẫn còn nhiều nỗi lo khi có mẹ già, các con còn vất vả. Biết ở độ tuổi của mình không dễ dàng tìm được công việc thích hợp nhưng ông vẫn không nguôi hi vọng.
Ông Quân cho biết: “Trước đây tôi từng làm đầu bếp. Khi về hưu, tôi còn có sức khỏe nên muốn tìm công việc nấu ăn. Đây là việc làm thích hợp với khả năng của tôi. Qua đó, giúp tôi cải thiện thu nhập, có thêm điều kiện chăm sóc mẹ già ở quê và thỉnh thoảng hỗ trợ các con”.
Ngoài 2 trường hợp trên, tại PGDVL lần này có khá đông NLĐ lớn tuổi đến tìm kiếm những công việc mà nhà tuyển dụng các vị trí về ngành nghề dịch vụ, không đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc cố định hoặc bán thời gian. Theo họ, những công việc này có giờ làm việc linh động, thu nhập tương đối và hơn hết là phù hợp với năng lực, sức khỏe của bản thân.
Người lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các DN. |
Huy động các nguồn lực tham gia giải quyết việc làm
Trong số 18 DN tham gia PGDVL lần thứ I năm 2023, ngoài một số đơn vị tuyển dụng các vị trí có yêu cầu trình độ TC, CĐ, ĐH, nhiều DN còn lại có nhu cầu tuyển các vị trí về nhân viên phục vụ, pha chế, tạp vụ, bán hàng, giao hàng… Đây là các công việc mà nhà tuyển dụng không đưa ra các yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, hay trình độ học vấn.
Nhà hàng Sơn Thủy (xã An Ngãi, huyện Long Điền) vừa mới mở từ đầu năm 2023. Nhà hàng có nhu cầu tuyển dụng 20 người làm ở vị trí phục vụ. Đến với PGDVL lần này, nhà hàng đăng ký tuyển dụng 8 vị trí, với 13 người. Trong đó, có một số vị trí tuyển NLĐ đến 55 tuổi như: Bếp trưởng, bếp chính, nhân viên kỹ thuật; các vị trí như nhân viên pha chế, lễ tân, bếp chính… không yêu cầu trình độ chuyên môn, chỉ cần yêu cầu có kinh nghiệm làm việc.
Các vị trí này có mức lương thấp nhất 6,5 triệu đồng/tháng, còn cao nhất lên tới 40 triệu đồng/tháng đối với vị trí bếp trưởng. Bà Phạm Thị Kiều Oanh, nhân viên hành chính nhân sự, Nhà hàng Sơn Thủy cho hay: “Việc tổ chức PGDVL tại phường, xã giúp chúng tôi có cơ hội tiếp cận với lực lượng lao động phổ thông chưa có việc làm ở các địa bàn đông dân cư”.
Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết, việc tổ chức PGDVL tại địa phương nhằm huy động các nguồn lực tham gia giải quyết việc làm. NLĐ, nhất là ở lao động nông thôn nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, chủ động tìm kiếm việc làm trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của các DN. “PGDVL còn cung cấp thông tin cần thiết về lĩnh vực hoạt động việc làm và thị trường lao động cho NLĐ, người sử dụng lao động; là cầu nối hiệu quả giữa NLĐ và người sử dụng lao động, tạo cơ hội cho NLĐ chưa có việc làm tìm cho mình công việc phù hợp, sớm quay lại thị trường lao đồng”, bà Hương nói thêm.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua nắm bắt và khảo sát về thị trường lao động năm 2022, phường Thắng Nhất có số lượng NLĐ cần tìm việc làm khá cao, từ 900-1.000 người. UBND phường Thắng Nhất mong muốn được tổ chức một PGDVL tại phường, giúp NLĐ địa phương có cơ hội tiếp cận với các DN để tìm việc. Vì thế, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với địa phương tổ chức PGDVL đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, tham gia chương trình có khoảng 500-600 lượt NLĐ, bao gồm cả người dân đang sinh sống tại phường Thắng Nhất và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có khoảng 250 người đã đăng ký tìm việc, nộp hồ sơ và được hẹn phỏng vấn tại các DN. |
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG