Cần chính sách thu hút lao động chất lượng cao
Lao động chất lượng cao có vai trò quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực này ở một số ngành, lĩnh vực vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH.
Phóng viên: Thưa ông, thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh hiện như nào?
- Ông Trần Quốc Khánh: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 575.000 lao động đang làm việc trong các DN, KCN... Trong đó, lao động làm ở lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 37%, nông nghiệp 20,5%, dịch vụ hơn 42,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 80,6%, lao động được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ 33%. Như vậy, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã một phần đáp ứng được nhu cầu của DN và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Năng suất lao động trên địa bàn tỉnh cũng thuộc nhóm cao trên cả nước.
Để đạt được điều đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Một lợi thế nữa, Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có một số ngành nghề kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi lao động chất lượng cao như: hóa dầu, logistics, điện, hóa chất, cảng biển nên cũng thu hút được nhiều lao động chất lượng cao về làm việc tại tỉnh.
Kỹ sư Công ty TNHH KOA (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) điều khiển máy móc trong quy trình vận hành sản xuất giấy. Ảnh: LINH ĐAN |
Tuy nhiên, hiện một số ngành, lĩnh vực, nguồn lao động của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Trong đó, có một số ngành nghề lao động trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo như: nông nghiệp, nhóm ngành nghề hóa chất, công nghệ số, công nghệ sinh học.
Như ông đã phân tích ở trên, nguồn lao động đã qua đào tạo ở tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao nhưng thực tế, tại các sàn giao dịch việc làm, dù các DN tham gia rất đông nhưng kết quả tuyển dụng lại rất thấp. Vì sao lại có sự chênh lệch này, thưa ông?
- Đây là vấn đề không riêng gì tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà tất cả các địa phương trong cả nước đều gặp phải. Nguyên nhân là do DN tuyển dụng lao động và người lao động chưa gặp nhau. Chưa có sự liên kết giữa cung và cầu, mất cân đối cung cầu. DN chưa tìm được những người có trình độ, kinh nghiệm, chuyên môn theo yêu cầu của họ và người lao động cũng chưa tìm được công việc phù hợp, dẫn đến kết quả tuyển dụng thấp.
Thưa ông, để nâng cao chất lượng nguồn lao động và kết nối tốt hơn giữa cung và cầu thì cần có những giải pháp gì?
- Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh cần triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường lao động trên địa bàn. Cụ thể, xây dựng chính sách thu hút, giữ chân lao động chất lượng cao làm việc tại tỉnh. Chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời, cần xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và DN trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua cơ chế này gắn kết nhà trường, người học và DN trong đào tạo, cung cầu nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động.
Bên canh đó, tỉnh cần đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, khách quan và minh bạch, tiến hành cung cấp kịp thời cho người lao động thông tin về đào tạo, nhân lực, việc làm và chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực địa phương. Cung cấp cho DN thông tin về ngành nghề đào tạo của tỉnh và nhu cầu việc làm của người lao động. Kết nối hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm với nhau, chia sẻ thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm việc làm của người lao động.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
TRÚC GIANG (Thực hiện)