Câu chuyện họ truyền đi nguồn năng lượng mạnh mẽ về nghị lực vươn lên vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Chị Vương Hoàng Phi Oanh (phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) gắn đá vào cổ áo dài. |
Thành công với đam mê
Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, 2 chân bị bại liệt, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chị Vương Hoàng Phi Oanh ngụ tại phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa, đã biến điều không thể thành có thể khi tự mình “may” cuộc đời mình bằng nghị lực. Những ai từng may quần áo tại cửa tiệm của chị Oanh, sẽ nhận thấy nghị lực của một người phụ nữ tật nguyền, và chẳng gì có thể ngăn cản những việc chị quyết tâm thực hiện.
Hiện đang là chủ một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang, từng ngày chị Oanh thổi hồn vào những thiết kế của mình, đặc biệt là tình yêu với những chiếc áo dài. Chị cho biết lần đầu tiên khi may xong bộ áo dài chị đã rất tự hào và xúc động khôn nguôi với thành quả đầu tay của mình.
Bằng tay nghề và sự kiên trì, hiện nay chị Oanh đã có lượng khách hàng ổn định. Khách hàng bắt đầu tin tưởng đặt may những sản phẩm cao cấp hơn như áo dài, váy, vest Nam.
Chị Oanh kể: Năm lên 6 tuổi, sau trận sốt kéo dài, chân trái của chị Oanh mất cảm giác rồi teo dần. Vượt qua mọi lực cản, chị chăm chỉ học hành và quyết định học nghề thiết kế, cắt may thời trang, một ngành nghề phù hợp với sức khỏe của chị.
Một điều đáng khâm phục ở người phụ này là chị còn mở lớp dạy may để đào tạo nghề cho nhiều người kém may mắn giống chị. Đến nay, chị Oanh đã đào tạo được 15 học viên ra nghề, trong đó có 5 người khuyết tật. Chị Oanh có thu nhập bình quân mỗi tháng từ công việc khoảng 8-10 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 3 lao động có hoàn cảnh khó khăn, có chung cảnh ngộ với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Đặng Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa cho biết: “Chị Phi Oanh là nguồn truyền cảm hứng cho rất nhiều hội viên phụ nữ khuyết tật khác, tự lập, chủ động trong cuộc sống. Chị là niềm tự hào của Hội Phụ nữ địa phương”.
Vượt lên để chiến thắng
Cùng chung hoàn cảnh, cũng có một tiệm may nhỏ để tự nuôi sống bản thân, chị Phạm Thùy Dương (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đã dệt nên câu chuyện đẹp về nghị lực vượt khó “tàn nhưng không phế”. Khi lên 5 tuổi, cơn sốt bại liệt đã lấy đi sức khỏe và khả năng đi đứng bình thường của chị Dương, khiến 2 chân chị bị teo nhỏ, liệt dần. Dù gia đình cũng thuộc hàng khá giả, nhưng không muốn trông chờ hay ỷ lại vào người thân, chị Dương đi học may rồi mở tiệm, tự nuôi sống bản thân.
Vừa được chị Dương đo may đồ công sở cho chị Nguyễn Thị Diệu Hoàng người cùng xã cho biết: “Chị Dương may quần tây với sơ mi rất đẹp, kể cả may đầm nên hội chị em công sở chúng tôi hay giới thiệu cho nhau và thường xuyên đến may ở tiệm chị Dương”.
Thấu hiểu được những nỗi niềm mà mình gặp phải, nên khi hay tin, Hội LHHPN huyện Châu Đức thành lập “Nhóm phụ nữ tự lực”, nhằm gắn kết nâng cao nhận thức kỹ năng và bình đẳng cho người khuyết tật, chị Dương đã tham gia và được bầu chọn là thành viên ban chủ nhiệm của nhóm. Là thành viên nòng cốt nên chị Dương không quản ngại khó khăn, chủ động thu xếp công việc riêng để thăm hỏi, sẻ chia động viên những chị em khác cùng nỗ lực vượt khó vươn lên.
Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG