Làm chủ kỹ thuật cứu sống nhiều bệnh nhân bị bệnh tim mạch

Thứ Sáu, 10/03/2023, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Khởi đầu từ sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay Đơn vị Tim mạch can thiệp (thuộc Khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Bà Rịa) đã làm chủ được kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh cho các trường hợp bị bệnh tim mạch. Nhờ đó, bệnh viện đã cấp cứu và can thiệp kịp thời cho nhiều người bệnh nguy kịch.

Nhờ được can thiệp động mạch vành nhanh chóng nên bà N.T.M., ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) đã khỏe trở lại.
Nhờ được can thiệp động mạch vành nhanh chóng nên bà N.T.M., ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) đã khỏe trở lại.

Phẫu thuật cấp cứu nhiều ca bệnh nặng

Tối 14/2, cụ bà N.T.M., (95 tuổi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cảm thấy đau ngực, đau đầu nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu và được chỉ định nhập viện theo dõi.

Đến sáng hôm sau, cụ M. có biểu hiện mệt nhiều hơn như: Đau ngực, vã mồ hôi, nhịp tim rất chậm, tụt huyết áp, chi lạnh… Thấy diễn biến bệnh của cụ có dấu hiệu nặng, các bác sĩ của Đơn vị Tim mạch can thiệp nhanh chóng đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng dưới, có biến chứng Block xoang nhĩ, nhịp bộ nối chậm.

Đồng thời chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu cho cụ M. bằng cách đặt 2 Stent tại động mạch vành phải và đặt máy tạo nhịp tạm thời. Nhờ được can thiệp kịp thời, sau phẫu thuật, nhịp tim, nhịp xoang và huyết áp của bệnh nhân trở về mức bình thường, không cần dùng thuốc vận mạch.

Vài ngày sau phẫu thuật, cụ M. tỉnh táo, nói chuyện và ăn cơm bình thường như trước đã mang lại niềm vui cho gia đình. Chị Lê Thị Huyền Trang, cháu ngoại cụ M. cho hay: “Khi bà bị bệnh nặng, cả gia đình rất lo lắng. Các bác sĩ của Đơn vị Tim mạch can thiệp đã đến động viên, giải đáp các thắc mắc của chúng tôi. Bà của tôi được bác sĩ phẫu thuật cấp cứu nhanh chóng. Thấy bà khỏe lại, gia đình tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

Không riêng gì cụ M., từ khi thành lập đến nay, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng, thậm chí nguy kịch. Điển hình như cách đây khoảng 3 tháng, đơn vị này phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam, 60 tuổi ở TP.Vũng Tàu.

Bệnh nhân này đến Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng đau thượng vị sau xương ức và ngực trái ở mức dữ dội. Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán ca bệnh này bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, có biến chứng rung thất.

Bệnh nhân được chụp mạch vành và chỉ định đặt Stent thành dưới. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đặt Stent thì bệnh nhân bất ngờ ngưng tim, ngưng thở nên các bác sĩ phải hồi sức tích cực, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy hiểm. Các bác sĩ tiến hành đặt Stent tái thông động mạch vành bị tắc ngay sau đó. Nhờ sự làm việc tích cực và trách nhiệm của cả êkip phẫu thuật đã khôi phục sức khỏe cho bệnh nhân.

Làm chủ các kỹ thuật cao

Đơn vị Tim mạch can thiệp bắt đầu triển khai từ tháng 3/2016 dưới sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ tính từ tháng 3/2016 đến tháng 1/2017, đơn vị thực hiện chụp và can thiệp động mạch vành cho gần 500 trường hợp, trong đó có nhiều ca bệnh can thiệp cấp cứu.

Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã phát huy hiệu quả chuyên môn, cứu sống nhiều ca bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế đã đồng ý bổ sung cho Bệnh viện Bà Rịa thực hiện thêm 3 kỹ thuật khám, chữa bệnh, gồm có: Chụp động mạch vành; chụp, nong động mạch vành bằng bóng; chụp, nong và đặt Stent động mạch vành.

Đây là những kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch. Với sự đầu tư đầy đủ về trang thiết bị, nguồn nhân lực được đào tạo từ bệnh viện tuyến trên, từ tháng 1/2017, Đơn vị Tim mạch can thiệp thực hiện được thủ thuật chụp và đặt Stent độc lập, đồng thời khẳng định đã làm chủ được kỹ thuật này trong phục vụ người bệnh.

Bác sĩ Phan Văn Thành, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết, từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ với các khoa: Nội Tim mạch – Lão học, Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, phòng khám… trong công tác phát hiện, tiếp nhận và điều trị người bệnh.

Bệnh viện còn có chương trình đào tạo liên tục cho đội ngũ bác sĩ về bệnh lý động mạch vành mạn tính và cấp cứu để đội ngũ này cập nhật kiến thức, chẩn đoán, xử trí và sử dụng thuốc, trong và sau can thiệp động mạch vành. Nhờ vậy, đội ngũ bác sĩ của các khoa từng bước nâng cao trình độ, chẩn đoán sớm hội chứng động mạch vành cấp và mạn tính.

Êkip của Đơn vị Tim mạch can thiệp cũng đã nâng cao khả năng thực hiện thủ thuật và xử lý các biến chứng trước, sau và trong lúc thực hiện phẫu thuật tốt hơn. Đến nay, đơn vị này đã phẫu thuật cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp có nguy cơ cao, biến chứng nặng và thành công cho nhiều ca bệnh choáng tim, rối loạn nhịp tim… đe dọa tính mạng người bệnh.

Theo bác sĩ Thành, để đáp ứng và chăm sóc tốt cho người bệnh, Bệnh viện Bà Rịa đang cử 3 bác sĩ đi học về tim mạch can thiệp, đồng thời có định hướng phát triển chuyên môn và mở rộng lĩnh vực can thiệp qua da (không phải phẫu thuật).

“Đơn vị Tim mạch can thiệp của chúng tôi hiện có 5 bác sĩ, trong đó có 3 người đang đi học và 8 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và yêu cầu phát triển chuyên môn, đơn vị cần thêm 4-6 bác sĩ cùng 2-4 điều dưỡng”, bác sĩ Thành cho hay.

Dự kiến, trong thời gian tới, đơn vị vừa cử đào tạo bồi dưỡng nhân lực, vừa triển khai thực hiện thêm các kỹ thuật như: Siêu âm nội mạch động mạch vành; khoan, mở động mạch vành; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong buồng tim; can thiệp động mạch não đối với người đột quỵ thiếu máu và các bệnh lý mạch máu mão khác; can thiệp động mạch ngoại vi và các can thiệp nội mạch khác như trong trường hợp điều trị ung thư gan.

Từ năm 2016 đến nay, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã tiếp nhận và can thiệp động mạch vành cho hơn 4.000 ca bệnh, trong đó tỷ lệ thành công đạt hơn 99% ca bệnh. Bệnh nhân được can thiệp thường dưới 90 phút kể từ khi bắt đầu vào bệnh viện cấp cứu.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.