Bảng tuần hoàn từ trái tim

Thứ Hai, 20/03/2023, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

“Bảng tuần hoàn biết nói đầu tiên cho HS khiếm thị-Bảng tuần hoàn nhân ái”. Đó là lời chia sẻ đầy xúc động của GV, HS Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.Hồ Chí Minh) về sản phẩm “Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị”.
Sản phẩm “Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị” giúp các em HS khiếm thị có điều kiện học tập tốt hơn.
Sản phẩm “Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị” giúp các em HS khiếm thị có điều kiện học tập tốt hơn.

Đây là dự án đã dành giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022”, được tổ chức vào cuối năm 2022. Là sản phẩm do cô Lê Thị Hồng Nhung, GV bộ môn Hóa học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cùng các cộng sự thiết kế.

Bảng tuần hoàn hóa học biết nói

Với phương châm “Một nút chạm cả thế giới hóa học trong tay bạn”, bảng tuần hoàn hóa học “biết nói” giúp HS khiếm thị học qua cả 2 “kênh” xúc giác và thính giác. Trên sản phẩm, ngoài chữ viết còn khảm chữ nổi Braille, ngôn ngữ dành riêng cho người khiếm thị thống nhất toàn thế giới.

Nhờ vậy, cả trẻ mù và trẻ nhìn kém đều có thể dễ dàng sử dụng. Trên bảng tuần hoàn có 118 nguyên tố Hóa học, sau mỗi nguyên tố đều gắn 1 mã QR code có các gờ đánh dấu giúp HS khiếm thị định vị ô QR. Khi sử dụng điện thoại thông minh quét mã, các em sẽ nghe được thông tin về nguyên tố hóa học. Sau khi sử dụng, sản phẩm có thể gấp gọn lại với kích thước chỉ bằng một cuốn sách nên rất thuận tiện cho người dùng.

“Để khởi nghiệp với các DN tạo tác động xã hội, “điều kiện cần” là một tấm lòng đủ rộng và một quyết tâm đủ lớn; “điều kiện đủ” là dám bắt đầu, dám bước những bước đầu tiên trên con đường đôi khi không có ai đi cùng hoặc có rất ít người nhưng đã bỏ cuộc.
Tôi luôn tâm niệm “Think big, do small”. Think big là nghĩ lớn, có tầm nhìn và biết thực sự mình muốn đóng góp gì cho cộng đồng, đích đến cuối cùng mình muốn hướng tới là gì. Do small là hãy đi từng bước, thậm chí là những bước rất nhỏ, nhưng vững chãi. Điều quan trọng là sự bền bỉ và kiên trì. Dù có chuyện gì xảy ra, hãy luôn hướng tới mục tiêu, giữ sức bền và đi từng bước nhỏ. Với sự kiên trì, bền bỉ, tôi tin rằng bạn sẽ tới được nơi các bạn cần tới”.
(Cô Lê Thị Hồng Nhung)

Chia sẻ mối duyên với học trò khiếm thị, cô Nhung cho hay, từ thời sinh viên, cô từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện kết nối với cộng đồng người khiếm thị. Tham gia với vai trò là người dạy học cho các em HS, nhưng cô Nhung lại nhận ra rằng, chính những HS kém may mắn đã dạy cho mình bài học giản dị nhưng sâu sắc về sự trân quý cuộc sống.

Cách đây 5 năm, được tham gia khóa tập huấn CBL-STEAM ứng dụng STEAM hỗ trợ học tập cộng đồng do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Một lần nữa, cô Nhung lại được kết nối với cộng đồng người khiếm thị. Qua đó, được biết, khó khăn lớn nhất mà HS khiến thị gặp phải là thiếu thốn giáo cụ học tập chuyên biệt. Thời điểm ấy, suy nghĩ “Mình phải làm điều gì đó để hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị” cứ luôn thôi thúc cô giáo trẻ.

Sau đó, trao đổi với cô trò Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cô Nhung phát hiện ra bộ môn Hóa học với HS khiếm thị rất trừu tượng. Cùng với việc thiếu giáo cụ chuyên biệt, không ít HS không qua được môn và phải ở lại lớp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS giảm và tiếp tục giảm sâu hơn nữa ở bậc THPT.

“Thì ra môn Hóa học đã vô tình trở thành rào cản mở ra cánh cửa giáo dục của các bạn HS khiếm thị. Nhận ra điều đó, tôi đã quyết định chọn Bảng hệ thống tuần hoàn Hóa học để phát triển. Đây cũng là lĩnh vực có liên quan tới chuyên môn của tôi”, cô Nhung chia sẻ.

Cô Lê Thị Hồng Nhung và cộng sự tại vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022”.
Cô Lê Thị Hồng Nhung và cộng sự tại vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022”.

Dự án chạm đến trái tim

Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.Hồ Chí Minh) từ tháng 12/2018. Sau gần 5 năm, bảng tuần hoàn hóa học “biết nói” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ HS và GV.

Huỳnh Thanh Yến Vy, HS lớp 10 của trường cho biết: “Trước khi có bảng tuần hoàn hóa học chuyên biệt này, chúng em chỉ có bảng tuần hoàn hóa học ở trong SGK với nhiều thông tin khó nhớ. Do không nhớ đước hết nên khi làm bài tập tụi em phải hỏi thầy cô, tìm kiếm thông tin trên mạng rất mất thời gian. Từ khi có bảng tuần hoàn Hóa học chuyên biệt, chúng em học và làm bài tập nhanh hơn, dễ dàng hơn”.

Cô Nguyễn Thị Quế Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thì cho hay: “Bảng tuần hoàn chuyên biệt giúp các con được tiếp cận thông tin chính xác, tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong học tập”. Cô Hương cũng trăn trở, hiện nay, bảng tuần hoàn chuyên biệt mà trường đang sử dụng chủ yếu là do nhóm của cô Nhung tài trợ. Khi trở về học hòa nhập, các em lại tiếp tục gặp khó khăn vì không có giáo cụ chuyên biệt.

Trăn trở của cô Quế Hương cũng là điều mà cô Hồng Nhung đau đáu: “Tôi có một ước mơ giản dị, đó là mỗi HS khiếm thị khi bước vào bậc THCS được sở hữu 1 bảng tuần hoàn hóa học được thiết kế chuyên biệt, để các em được chạm, được tương tác. Tôi tin rằng, đó cũng là ước mơ của chính các em. Và để làm được điều này, rất cần sự chung tay đóng góp từ cả cộng đồng, để trẻ em khiếm thị được thụ hưởng thành quả của dự án”.

Tốt nghiệp Cử nhân Hóa học Trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành Hóa học, cô Lê Thị Hồng Nhung đạt học bổng toàn phần, theo học ngành Phương pháp giảng dạy các bộ môn Khoa học tại Trường Đại học Newcastle (Úc). Hoàn thành chương trình Thạc sĩ, cô về công tác tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn từ năm 2015.
Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị hiện đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Năm 2022, cô Nhung đã mang theo niềm trăn trở ấy để bước vào cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: “Tôi tới với cuộc thi này với lý do rất “mộc” là tìm được câu trả lời cho 2 câu hỏi: “Có nên khởi nghiệp hay không? Nếu có thì nên đi như thế nào?”. Tự nhận mình không có nhiều kiến thức về kinh doanh và khởi nghiệp, nhưng tại cuộc thi, cô Nhung đã được các chuyên gia đào tạo chuyên sâu hơn và xuất sắc giành giải Nhất ở Bảng cá nhân và nhóm khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc điều hành Công ty CP Emakase, thành viên Ban Giám khảo cho biết: “Dự án của cô Lê Thị Hồng Nhung khiến tôi thực sự cảm động. Đây là dự án “chạm đến trái tim” với những giá trị tích cực cho xã hội mà nó mang lại”.

Điều đó đã khiến ông Phúc đưa ra quyết định đồng hành cùng dự án, trở thành cầu nối để dự án tiến xa hơn. Theo ông Phúc, hiện nay, nhiều người chạy theo xu thế về kinh doanh, về công nghệ của tương lai. Trong khi đó, cô Nhung lại giang rộng cánh tay của mình để mang lại giá trị tích cực giúp các em nhỏ kém may mắn có cơ hôi phát triển hơn. Những dự án khởi nghiệp mang tính tác động xã hội đang là xu thế trên toàn cầu. Các doanh nhân thành công không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới đang tìm kiếm dự án mang giá trị như vậy để hỗ trợ, đồng hành.

Với hành trang sau khi bước ra từ cuộc thi, hiện cô Lê Thị Hồng Nhung cùng các cộng sự của mình đang phối hợp với NXB ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm ra thị trường với quy mô công nghiệp, để ước mơ “mỗi HS khiếm thị khi bước vào bậc THCS được sở hữu 1 bảng tuần hoàn hóa học chuyên biệt” sớm trở thành hiện thực.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
;
.