Thúc đẩy bình đẳng giới trong phụ nữ dân tộc
Nhằm giúp hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao vị thế của chị em, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch thúc đẩy bình đẳng giới.
Hội LHPN huyện Châu Đức ra mắt mô hình “Điểm nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi”, gồm các hội viên phụ nữ dân tộc Châu Ro tại xã Bình Ba. |
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Trước năm 2006, gia đình chị Đào Thị Long (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) là hộ nghèo chuẩn tỉnh. Theo phong tục của người Châu Ro, công việc chính của người phụ nữ là ở nhà chăm sóc con, chăm lo bếp núc, nhà cửa. Người chồng là lao động, trụ cột chính của gia đình. Thế nhưng, chị Long lại “giỏi việc nước, đảm việc nhà” nhờ sự hậu thuẫn của chồng, của Hội LHPN xã, chính quyền địa phương.
Sau khoảng thời gian được Hội LHPN xã, chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, cuộc sống gia đình chị dần cải thiện và thoát nghèo. Được sự chia sẻ, hỗ trợ và động viên từ chồng, chị Long tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện nay, chị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Châu, trở thành người truyền cảm hứng, nghị lực sống, vượt khó vươn lên cho hội viên trong thôn.
Chị Long chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng như nhiều chị em sống theo tư tưởng làm cái gì ăn cái đó. Phụ nữ chỉ đứng ở sau làm hậu phương cho chồng, chăm lo nuôi dạy con cái. Bây giờ, được tiếp xúc nhiều, biết nhiều và nhận ra người phụ nữ có thể chu toàn cả việc nước lẫn việc nhà nên tôi càng nỗ lực để làm gương, tuyên truyền cho chị em đồng bào mình. Bằng chứng lớn nhất là 2 con của tôi luôn ngoan ngoãn, tập trung vào việc học. Tôi phụ giúp chồng chăm sóc đàn bò, dê, bảo đảm thu nhập cho gia đình và làm tốt công việc của chi hội”.
Chị Lê Thị Thanh Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc cho biết, quan tâm chăm lo đời sống hội viên, đặc biệt là hội viên người DTTS, Hội LHPN xã đã kết nối, vận động thành lập 2 tổ phụ nữ dân tộc với 30 hội viên. Các hội viên có nơi để học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, kiến thức về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình; kiến thức tự bảo vệ bản thân trước bạo lực gia đình, nguy cơ xâm hại… Đặc biệt, các chị còn tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng chính sách để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
“Nhiều hội viên là đồng bào DTTS qua sự hỗ trợ của Hội, chính quyền các cấp, đã tự tin hơn, có ý tưởng khởi nghiệp, khẳng định được giá trị của bản thân trong gia đình và xã hội. Từ các hoạt động cụ thể, đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà và góp sức mình vào các hoạt động thiện nguyện tại địa phương”, chị Sang cho biết.
Giúp phụ nữ khẳng định bản thân
Năm 2022, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 903 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức người dân về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới cho hơn 324 ngàn lượt hội viên phụ nữ, trong đó có 4.068 hội viên phụ nữ là người DTTS. Hội cũng duy trì và nhân rộng các mô hình như: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, Mỗi hội viên dân tộc vận động 1 phụ nữ dân tộc tham gia vào Hội, Tổ phụ nữ dân tộc; thành lập mới 2 nhóm “Cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi” là người dân tộc Châu Ro gồm 60 thành viên...
Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy thế mạnh của mình và chủ động hơn trong cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 207/2022 về việc thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là một trong 10 dự án của “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.
Kế hoạch được triển khai tại 22 xã, 29 thôn, ấp vùng đồng bào DTTS thuộc địa bàn huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TX. Phú Mỹ, với mục tiêu đến năm 2025 có 90% phụ nữ DTTS được cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, dân số; 100% thôn, ấp đồng bào DTTS thành lập, củng cố, duy trì nâng cao chất lượng các mô hình, tổ, nhóm, hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ DTTS xây dựng gia đình hạnh phúc…
Triển khai kế hoạch này, Hội LHPN tỉnh cùng với Ban Dân tộc và các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ thực hiện 4 hoạt động cơ bản gồm: tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ thôn ấp, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cùng các cấp, ngành, địa phương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS, tạo điều kiện để chị em có cơ hội vươn lên làm chủ và khẳng định được vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội.
(Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh)
|
Bài, ảnh: MAI NGỌC