TIN BÀI LIÊN QUAN:
Cuối năm 2022, HĐND tỉnh đã thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề “Tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 từ năm học 2019-2020 đến năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Từ đó, nhiều giải pháp được đặt ra nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết 123.
Một tiết học tiếng Anh tăng cường của HS Trường THCS Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ). |
Hiệu quả triển khai chưa đạt yêu cầu đề ra
Qua giám sát thực tế, ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh nhận định, Nghị quyết 123 đã được UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và các địa phương, các cơ sở giáo dục quan tâm triển khai. Một số đơn vị, địa phương thực hiện tốt, có tỷ lệ HS, lớp học được học 2 tiết tiếng Anh tăng cường đạt cao, điển hình như TP.Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, Châu Đức.
Ông Bùi Chí Tình cũng nhận thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 123 đến thời điểm hiện nay chưa đạt yêu cầu, khó đạt được mục tiêu theo lộ trình Nghị quyết đề ra. Ông cho rằng, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhìn chung còn chậm và chưa kịp thời, UBND một số địa phương không ban hành, hoặc ban hành rất ít văn bản để triển khai thực hiện.
Tỷ lệ lớp, HS được học tăng 2 tiết trên địa bàn toàn tỉnh còn thấp và thực hiện không đồng đều giữa các địa phương và giữa các cấp học. Sự chuẩn bị của ngành giáo dục và các địa phương, cơ sở giáo dục để triển khai Nghị quyết còn bị động, chưa chu đáo chủ yếu thực hiện trên các điều kiện có sẵn. Ban giám hiệu một số trường cũng chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết.
Cùng với đó, hàng năm, ngành giáo dục chưa đánh giá chuẩn đầu ra cho HS theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT nên chưa có cơ sở để đánh giá hiệu quả, chất lượng giảng dạy, nhất là kỹ năng nghe - nói của HS. Ngành giáo dục cũng chưa thực hiện báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết 123 trước ngày 30/9 hàng năm theo quy định.
Những trở ngại được báo trước
Nhìn nhận nguyên nhân khiến việc triển khai Nghị quyết 123 chưa đạt yêu cầu đề ra, ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, tình trạng thiếu GV và thiếu cơ sở vật chất là lý do chính khiến việc dạy tiếng Anh tăng cường gặp khó khăn.
Hiện nay, cấp TH còn 7 trường thiếu phòng học. Hầu hết các trường sử dụng phòng học thông thường để giảng dạy, chưa bố trí được phòng học tiếng Anh riêng biệt. Không chỉ vậy, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy chưa đầy đủ. Cấp THCS có 61/91 trường, cấp TH có 82/136 trường chưa đạt yêu cầu về trang thiết bị.
Về nhân sự, số lượng GV tiếng Anh hiện có là 1.003 người. Trong đó số lượng GV đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 là 920 người, GV hợp đồng là 72 người. Toàn tỉnh hiện có 89 trường thiếu GV tiếng Anh. Trầm trọng nhất là cấp TH, có tới 74/136 trường thiếu GV; cấp THCS có 10/91 trường; cấp THPT có 5/30 trường thiếu GV.
Tuy thiếu nhân sự, song nhiều trường không hợp đồng được do không có nguồn, GV không đủ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Việc hợp đồng với GV các Trung tâm ngoại ngữ khó thực hiện được do kinh phí chi trả cho tiết tăng cường không đủ trả cho các trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay: “Các trường TH, nhất là ở khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu nguồn, khi hợp đồng GV, chất lượng khó bảo đảm và đội ngũ GV cũng không ổn định. Với cấp TH, GV tiếng Anh phần lớn vốn là GV THCS nên đôi lúc phương pháp dạy và tổ chức lớp học chưa phù hợp”.
Cũng theo ông Ba, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Sở GD-ĐT chưa triển khai kiểm tra, đánh giá trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết 123 mà chỉ nắm bắt thông qua các văn bản báo cáo từ cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn thiếu quyết liệt.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm: “Ngay từ khi xây dựng Nghị quyết, các sở, ngành có liên quan đã nhiều lần làm việc vấn đề hợp đồng thỉnh giảng và thuê GV các trung tâm ngoại ngữ. Khi xây dựng Nghị quyết đã không giải quyết được vấn đề này thì khi ban hành chắc chắn sẽ vướng mắc”.
Bà Châu phân tích, các địa phương, các trường đều ngần ngại ký hợp đồng thỉnh giảng vì sợ không chi trả được. Cùng với đó, kinh phí chi trả cho mỗi tiết học quá thấp nên không thuê được GV có đủ bằng cấp, trình độ như mong muốn. Chưa kể đến Nghị quyết được triển khai trong bối cảnh bắt đầu triển khai chương trình GDPT 2018, chương trình tiếng Anh thay đổi hoàn toàn so với trước đó cũng là một nguyên nhân khiến kết quả thực hiện không đạt yêu cầu.
Cần kịp thời điều chỉnh chính sách
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Văn Ba đề xuất tỉnh ban hành văn bản đồng ý kế hoạch thuê GV tiếng Anh nước ngoài trực tiếp đứng lớp triển khai 2 tiết tiếng Anh tăng cường theo hình thức xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời cho phép hợp đồng GV tiếng Anh theo chuẩn cũ để dạy 2 tiết tăng cường.
Ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thì cho rằng, ngành GD-ĐT và các địa phương cần rà soát, có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đầu tư phòng học tiếng Anh đúng tiêu chuẩn, trang thiết bị dạy và học tiếng Anh phù hợp, nhất là các trang thiết bị phục vụ kỹ năng nghe - nói.
Song song với đó, cần rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức tuyển dụng, bố trí, điều động, luân chuyển GV hàng năm phù hợp với quy định. Các cơ sở giáo dục chủ động tìm kiếm nguồn GV đạt chuẩn để hợp đồng thỉnh giảng. UBND tỉnh cũng cần xem xét ban hành các chính sách thu hút GV với các môn thiếu nguồn tuyển, trong đó có GV tiếng Anh về công tác tại các địa bàn xa trung tâm.
Ông Tình cũng đề nghị xem xét trách nhiệm đối với các địa phương, Ban Giám hiệu các trường học có đủ điều kiện nhưng không triển khai hoặc triển khai không đầy đủ việc tăng 2 tiết tiếng Anh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của HS trong việc thụ hưởng Nghị quyết 123.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và địa phương cần tăng cường các hoạt động xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển trung tâm ngoại ngữ ở các địa bàn vùng xa. Hàng năm, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học tiếng Anh, định kỳ báo cáo HĐND tỉnh theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.
ÔNG MAI NGỌC THUẬN, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Muốn thành công trước hết phải thấm nhuần Nghị quyết
Đoàn Giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo giám sát lần 2 để lấy ý kiến UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, các huyện, thị, thành phố để trình Thường trực HĐND tỉnh ngày 15/3.
Báo cáo giám sát sẽ được lồng ghép với nội dung chất vấn tại Kỳ họp HĐND tỉnh. Kết quả giám sát đã cho thấy một bức tranh tương đối rõ nét về việc thực hiện Nghị quyết 123. Do tư duy nhận thức về Nghị quyết chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thấm nhuần dẫn đến triển khai chưa đúng như kỳ vọng và mục tiêu đề ra.
Việc thực hiện Nghị quyết chưa có sự thống nhất chung trong toàn tỉnh, từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống trường, từ trường xuống tới từng GV. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cũng không có chuyên đề kiểm tra nên không thấy được tồn tại, thiếu sót để sớm khắc phục.
Thời gian tới, cần đánh giá sau 3 năm triển khai Nghị quyết có những bất cập gì, khi triển khai chương trình GDPT mới cần điều chỉnh gì hay không? Nếu cần, có thể tìm đơn vị tư vấn để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh tăng cường.
Đoàn giám sát sẽ kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh định mức chi trả cho tiết tăng cường, ban hành các tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện theo khung thống nhất với các tiêu chí cụ thể.
|
Bài, ảnh: HẢI BÌNH