Hàng ngày, những người thu hoạch rong câu phải ngâm mình dưới đùng nước mặn, chịu đựng cái nắng gắt và gió ràn rạt khoảng 10 tiếng đồng hồ để thu hoạch rong câu. Công việc vất vả mỗi ngày mang lại cho họ thu nhập từ 4-500 ngàn đồng để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Người thu hoạch rong câu phải ngâm mình dưới nước, chịu đựng cái nắng và gió thổi ràn rạt cả ngày. |
Ngâm mình cả ngày dưới nước mặn
Gần tháng nay, nhóm 9 người của anh Châu (quê Ninh Thuận) đã có mặt tại khu vực đùng nuôi tôm, cá rộng hàng trăm ha ở phường 12 (TP.Vũng Tàu) để thu hoạch rong câu. Nơi này được một người nhận bao thầu với các chủ đùng rồi thuê nhóm của anh Châu vào thu hoạch. Rong câu là loại mọc tự nhiên tại vùng đùng nước lợ, mặn và cho thu hoạch từ tháng 1-6 hàng năm.
Theo những người thu hoạch rong, rong câu vùng đùng nước ở phường 12 trước đây khá nhiều nhưng hiện nay đùng bị bùn đất bồi lắng, chất lượng nước và thời tiết không còn tốt nên rong câu chậm phát triển, có đùng rong biến mất hẳn.
Từ 7 giờ sáng, nhóm của anh Châu đã phân công nhau bắt tay vào việc. Họ dùng bè xốp tự chế di chuyển ra giữa đùng rồi dùng tay khua khoắng trong làn nước để gom vớt rong. Đùng nước sâu hơn 1,5m, có chỗ bùn dày khiến họ bị ngập nước sâu tới ngang cằm. Chân đạp bùn, tay thoăn thoăn họ vơ rong thành từng cuộn ném lên bè. Mò hụp dưới nước gần 30 phút 2 người vớt được khoảng 1 tấn rong câu tươi chất cao lút bè rồi kéo vào bờ.
Rong câu là loại thực vật bậc thấp có hình sợi dài, có màu vàng nâu nhạt tự nhiên. Trong rong câu chứa nhiều tinh bột, chất xơ, đạm, sinh tố và chất khoáng, vitamin… bổ sung các dưỡng chất vi lượng cần thiết cho cơ thể. Rong câu được dùng chế biến nhiều món ăn hoặc dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp chế biến thực phẩm. |
Trên bờ đùng, 2 người đuợc phân công kéo rong tươi ra phơi thành lớp mỏng cho nhanh khô. “Rong câu phải phơi dưới nắng lớn 5 ngày, quá trình phơi phải lật đảo lớp dưới lên rong mới khô đều. Nếu gặp trời mưa thì trọng lượng lẫn chất lượng bị giảm mạnh, thương lái cũng tranh thủ ép giá xuống thấp”, anh Tí (31 tuổi), người có thâm niên làm nghề thu hoạch rong câu hơn 15 năm tiết lộ.
“Khoe” bàn thân bị thâm đen với hàng loạt vết cắt sâu vào da thịt là “dấu ấn” do vẹm, ốc cứa, anh Tí nói: “Việc vớt rong cũng nhẹ nhưng dưới đùng lắm vẹm, ốc cứa nên chúng tôi thường bị cắt chân. Ngâm mình cả ngày trong nước nên da ai cũng đen nhẻm, sần sùi và mẩn ngứa”.
Rong câu khi còn dưới nước có màu nâu đen, thân mềm, nhiều nhánh, phơi khô sẽ chuyển sang màu ngả vàng và dai hơn. Rong câu phơi khô được đóng vào bao tải mỗi bao khoảng 50kg đợi giao bán cho thương lái.
“Rong câu được chủ giao dịch bán đi khắp nơi cho các nhà máy trong và ngoài nước. Giá cả giao động khoảng 7-10 ngàn đồng/kg”, anh Trần Quang Trung (42 tuổi) thông tin.
Với 9 người làm tất bật từ mờ sáng tới chiều tối, mỗi ngày nhóm của anh Châu thu hoạch được khoảng 1 tấn rong câu khô, được chủ trả công 5 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt hằng ngày, nhờ công việc thu hoạch rong câu mà họ có thu nhập từ 4-500 ngàn đồng.
Rong câu phải phơi trên 5 ngày mới khô và đóng bao để xuất bán. |
Thiếu thốn đủ bề
Công việc đã cực khổ, mọi sinh hoạt giữa vùng đùng nước của những người làm nghề thu hoạch rong câu cũng khó khăn thiếu thốn đủ bề. Căn nhà hoang với những bức tường bị đập phá dang dở, không còn cửa và mái lủng thủng lỗ vốn là chòi canh đùng thành nơi trú ngụ của cả nhóm người.
Không điện, không nước sạch và ăn uống tạm bợ. Mỗi ngày họ phải cắt cử 1 người vừa làm công việc thu hoạch rong vừa dành thời gian làm “anh nuôi”. Anh Nguyễn Bé (38 tuổi), người hàng ngày đi chở nước, mua sắm đồ ăn và sinh hoạt cho cả nhóm chia sẻ: “Mỗi ngày tôi phải đi chở nước tới 4 lần. Cả ngày dầm nước mặn nhưng mỗi người chỉ được cung cấp 3 ca nước ngọt đủ để dội qua người cho sạch. Quần áo thì giũ qua nước dưới đùng rồi vắt lên bờ bụi cho khô. Ở đây không có điện nên điện thoại cũng phải mang tới điểm mua nước để sạc nhờ”.
Công việc thu hoạch rong dù vất vả, xa gia đình nhưng ai cũng vui bởi có việc làm cho thu nhập trong những ngày nhàn rỗi. Hết mùa rong câu, họ lại quay về Ninh Thuận làm đủ thứ nghề để mưu sinh.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN